Kết nối và chia sẻ thông tin về xuất nhập khẩu: Lợi nhiều đường

Lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ có thêm một 'mặt trận' mới khi việc thông tin trên lĩnh vực này sẽ sớm được kết nối và chia sẻ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Văn bản pháp lý của việc kết nối này dưới dạng nghị định của Chính phủ đang được khẩn trương xây dựng để có thể có hiệu lực ngay từ đầu năm 2023.

Cùng tích hợp với thông tin về xuất nhập khẩu là các thông tin liên quan đến quá cảnh; quản lý người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Phạm vi thông tin cung cấp, chia sẻ ở đây bao gồm thông tin liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia do cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp, chia sẻ; thông tin liên quan đến hành khách, hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; thông tin trao đổi giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài theo các thỏa thuận, điều ước quốc tế về trao đổi thông tin, chứng từ điện tử.

Trong bối cảnh những thông tin trên các lĩnh vực này lâu nay còn mang tính chất “cát cứ” gây khó cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp thì việc sớm có được nghị định này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi lần đầu tiên có một văn bản đủ mạnh để xử lý tồn tại lâu nay trong việc kết nối các thủ tục, thông tin, nhất là trên lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cụ thể, các bộ, ngành được khai thác, sử dụng thông tin cập nhật kịp thời, phản ánh đầy đủ thực tế dây chuyền và quá trình xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải. Thông tin toàn diện, thông tin “sống” sẽ giúp cơ quan nhà nước thực hiện công tác điều hành, quản lý, đánh giá, xử lý hiệu quả hơn, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường.

Đồng thời việc kết nối này còn góp phần hiện thực hóa việc trao đổi thông tin giữa cơ quan chính phủ Việt Nam với cơ quan chính phủ các nước khác theo điều ước, thỏa thuận mà Việt Nam ký kết, gia nhập (đặc biệt là các FTA thế hệ mới) để tạo thuận lợi thương mại song vẫn đảm bảo kiểm soát, quản lý hiệu quả, hiệu lực.

Ở khía cạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quả cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cũng phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các ứng dụng công nghệ blockchain, cơ sở dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IOT); góp phần hiện đại hóa, tự động hóa tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Cùng đó người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã cung cấp trước đó, qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian tuân thủ, thời gian lao động, nâng cao năng suất lao động; đồng thời doanh nghiệp cũng có thể khai thác, sử dụng thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, chia sẻ để phục vụ cho hoạt động tuân thủ tốt hơn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đều cho thấy, Cổng thông tin một cửa quốc gia đều được xây dựng trên cơ sở kết nối với các hệ thống của các cơ quan chính phủ và với cộng đồng thương mại, vận tải; hướng đến tạo thuận lợi tối đa trong chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan bằng phương thức điện tử; thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung nhằm giảm sự trùng lặp dữ liệu và những kết nối phải thực hiện khi gửi thông tin một cách riêng rẽ tới các cơ quan liên quan.

Như tại Malaysia, hệ thống này có trên 25.000 tổ chức và cá nhân sử dụng, xử lý trên 100 triệu giao dịch hàng năng được kết nối trực tiếp đến 30 cơ quan cấp phép, 50 cơ quan tổ chức của chính phủ, 10 ngân hàng và 190 chi cục hải quan trên toàn quốc. Lợi ích mà hệ thống một cửa quốc gia của Malaysia mang lại cho nền kinh tế đó là thúc đẩy thương mại phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc cung cấp các dịch vụ công bằng điện phương tiện điện tử, giảm chi phí giao dịch.

Còn tại Hoa Kỳ, hệ thống một cửa quốc gia xử lý quy mô thương mại của Hoa Kỳ là 1.800 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu, 2.600 tỷ USD trị giá hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo thu ngân sách trên 45 tỷ USD từ thuế hải quan. Hệ thống đã tự động xử lý trung bình hàng ngày khoảng 100.000 khai báo hải quan giúp giảm 44% thời gian xử lý phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới và thời gian xử lý bảo lãnh thông quan từ 5 ngày xuống chỉ mất 5 giây.

Cổng thông tin một cửa quốc gia đều được xây dựng trên cơ sở kết nối với các hệ thống của các cơ quan chính phủ và với cộng đồng thương mại, vận tải; hướng đến tạo thuận lợi tối đa trong chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan bằng phương thức điện tử; thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung nhằm giảm sự trùng lặp dữ liệu và những kết nối phải thực hiện khi gửi thông tin một cách riêng rẽ tới các cơ quan liên quan.

Kinh nghiệm triển khai của một số nước và yêu cầu từ thực tiễn triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong nước; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp Nghị định tạo cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người, phương tiện, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia là cần thiết nhằm thúc đẩy đồng bộ, hiệu quả, minh bạch, tránh manh mún, trì hoãn kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-va-chia-se-thong-tin-ve-xuat-nhap-khau-loi-nhieu-duong-174380.html