Kết nối việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Hiện nay, nhiều lao động có thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Số tiền này đặc biệt có ý nghĩa, sẽ giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Song về lâu dài, người lao động cần được tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống lâu dài.

Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, nhiều doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, nhiều doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Qua kết quả khảo sát của các cơ quan liên quan cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện khá hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Bởi thế, chưa có doanh nghiệp nào phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thậm chí, các doanh nghiệp trong các KCN, CCN vẫn duy trì được sản lượng và doanh thu cao; ký kết được các đơn hàng lớn, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp khá thường xuyên và liên tục. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 9.295 người (đạt 47,9 % kế hoạch năm).

Tuy nhiên, đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều nhất trên địa bàn tỉnh ta đó là người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giáo dục. Tính đến ngày 27/8, toàn tỉnh có trên 1 nghìn lao động tự do, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương có quyết định được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Người lao động được nhận hỗ trợ đúng vào thời điểm khó khăn nhất để vượt qua chặng đường khó.

Bên cạnh đó, thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều công dân đang làm việc tại các tỉnh ngoài đã trở về quê. Hiện nay, tỉnh ta cũng đang xây dựng phương án đón công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về. Mặc dù chưa có con số khảo sát cụ thể, song thực tế cho thấy, sẽ có nhiều lao động có nhu cầu ở lại quê hương để làm việc, ổn định cuộc sống.

Vợ chồng anh Đinh Văn Tính, xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan) là một trong những lao động có nhu cầu ở lại quê hương để làm việc và sinh sống. Theo lời kể của anh Tính, vợ chồng anh vào thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh từ nhiều năm nay. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, có mức thu nhập vừa đủ để trang trải cho cuộc sống nơi đất khách. Vừa qua, cả gia đình anh Tính phải trở về quê do diễn biến dịch COVID-19 ở nơi anh làm việc trở nên phức tạp hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tính cho biết: Sau khi thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại gia đình theo đúng thời gian quy định, chúng tôi rất vui sức khỏe của cả gia đình đều được đảm bảo. Gia đình tôi cũng nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, của bà con hàng xóm. Nguyện vọng của cả hai vợ chồng tôi bây giờ là tìm được việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống ở tại quê hương mình.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất, để người lao động ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, các ngành, các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để những lao động trở về từ tỉnh ngoài ổn định cuộc sống, sau khi họ thực hiện xong thời gian cách ly theo đúng quy định để đảm bảo an toàn trong phòng dịch COVID-19.

Những khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước hay mọi sự giúp đỡ từ nghĩa cử cao đẹp "tương thân tương ái" của cộng đồng dành cho những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lao động trở về từ tỉnh khác sẽ giúp người lao động vượt qua khó khăn ở thời điểm này. Tuy vậy, về lâu dài, người lao động cần được tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, được kết nối, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.

Trong Nghị quyết số 68 của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngoài các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong Chương III của Nghị quyết 68 cũng đã bổ sung chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo đó, cho phép giảm một số điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (giảm các điều kiện về: cắt giảm lao động, khả năng tài chính để đào tạo cho người lao động) để hỗ trợ người sử dụng lao động trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế trong và sau đại dịch COVID-19. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng đào tạo với mức 1.500.000 đồng/người lao động/tháng trong vòng 01 năm, từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Thực hiện chính sách này của Nghị quyết 68, trong thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề có uy tín liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19, những lao động trở về từ ngoại tỉnh để họ sớm quay trở lại thị trường việc làm, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ket-noi-viec-lam-cho-lao-dong-bi-anh-huong-boi-dich-covid/d20210830101644909.htm