Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu

Không chỉ định hình lại các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại của Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Hai kịch bản trái ngược với thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng

Một trong những tác động khía cạnh quan trọng nhất của cuộc bầu cử năm nay là tác động tiềm tàng đối với các chính sách thương mại của Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Tùy thuộc vào việc Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, các chính sách này có thể có những hướng đi rất khác nhau.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dự báo vẫn giữ được tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dự báo vẫn giữ được tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ

Nếu đắc cử, bà Harris được dự đoán có thể có sự kế thừa tương đối các chính sách dưới thời Tổng thống Joe Biden, trong đó tập trung vào việc củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống và thúc đẩy hợp tác đa phương. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng các thỏa thuận thương mại hiện có và thậm chí có thể ký kết thêm các hiệp định mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch.

Ngược lại, một nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Trump có thể trở lại chính sách “Nước Mỹ trên hết” với khả năng áp đặt thuế quan mới hoặc tái áp đặt các thuế quan cũ với nhiều đối tác thương mại. Trong suốt chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ đề xuất áp thuế 10% - 20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% đang áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ, theo số liệu của chính phủ nước này.

Nếu điều đó xảy ra, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm 1% vào năm 2026, tương đương 30% tốc độ tăng GDP của thế giới. Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn có thể giảm 7%, tương đương quy mô nền kinh tế của Đức và Nhật Bản cộng lại. Việc ông Trump cứng rắn với các đồng minh, như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… làm dấy lên lo ngại thương mại toàn cầu sẽ suy yếu. Cạnh tranh - yếu tố thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhiều thập kỷ qua - có nguy cơ bị kéo tụt.

Với châu Âu, kinh tế khu vực này có thể chịu cú sốc lớn. Theo ước tính, nếu Mỹ tăng thuế lên 10% với tất cả hàng hóa, thiệt hại GDP khu vực đồng euro sẽ tương tự cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra năm 2022. Còn nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu 20% với hàng từ EU và khối này cũng áp thuế trả đũa, GDP của khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến giảm 1,3% năm 2027 và 2028. Trong cuộc vận động tranh cử tại bang chiến trường Pennsylvania hôm 29-10, ông Trump cho biết nếu ông tái đắc cử, EU sẽ phải “trả cái giá lớn” vì không mua đủ hàng Mỹ. Ông tuyên bố: “Họ không mua đủ xe, nông sản của chúng ta. Họ còn bán hàng triệu xe vào Mỹ. Không đâu, họ sẽ phải trả giá lớn”.

Liên quan đến các chuỗi cung ứng, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều có khả năng tiếp tục chính sách củng cố lĩnh vực quan trọng này - một xu hướng được ông Trump khởi xướng khi còn là tổng thống và được duy trì dưới nhiệm kỳ của ông Biden. Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai người có thể khác nhau. Bà Harris có thể tập trung vào việc xây dựng các liên minh quốc tế để bảo đảm chuỗi cung ứng, trong khi ông Trump có thể ưu tiên việc đưa sản xuất trở lại Mỹ thông qua các biện pháp khuyến khích và trừng phạt mạnh mẽ hơn. Cả hai cách tiếp cận đều có thể dẫn đến sự tái cấu trúc đáng kể của chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc, Mexico và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn đầu tư quốc tế. Nếu bà Harris thắng cử, Mỹ có thể tìm cách thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng bền vững, tạo cơ hội cho các công ty và nhà đầu tư quốc tế trong những lĩnh vực này. Ở chiều ngược lại, chính sách của ông Trump tập trung vào việc khuyến khích các công ty Mỹ đưa vốn và hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm đầu tư trực tiếp của Mỹ ở một số quốc gia đang phát triển.

Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ

Trong quý 3-2024, hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt gần 33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số này trong 9 tháng đầu năm nay là gần 88,2 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, gần 30% hàng xuất khẩu của Việt Nam là sang Mỹ. Theo giới phân tích, đà tăng này được duy trì sau bầu cử Tổng thống Mỹ và đầu năm sau. Tất nhiên cũng có một số rủi ro, như kim ngạch thương mại chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu với Mỹ có thể khiến Việt Nam trở thành mục tiêu áp thuế, nếu cựu Tổng thống Trump đắc cử.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quốc tế, việc áp đặt thuế 10% - 20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam. Trong trường hợp Mỹ áp thuế 60% đối với Trung Quốc, Việt Nam và Mexico sẽ hưởng lợi về xuất khẩu bởi mức độ tiêu dùng mạnh mẽ của thị trường Mỹ này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Các báo cáo mới nhất về thị trường tiêu dùng cho thấy, người Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn dự kiến cho các loại hàng hóa khác nhau. Theo ước tính của Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), tổng chi tiêu tại Mỹ trong mùa lễ hội cuối năm vào tháng 11 và 12-2024 sẽ đạt khoảng 980 - 989 tỉ USD, tăng từ 2,5 - 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Về đầu tư, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khởi đầu từ quyết định đánh thuế hàng Trung Quốc năm 2018 của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến. Hiện các chính trị gia thuộc cả hai phía của chính trường Mỹ đều muốn đưa các công đoạn sản xuất trở lại Mỹ, vốn đã thất bại sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, do chi phí sản xuất sản phẩm tại Mỹ rất cao và số lượng công nhân sản xuất có tay nghề cao tại Mỹ rất thấp, việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam

Điều quan trọng là quan hệ Việt - Mỹ có nhiều điểm thuận lợi để tiếp tục phát triển tích cực. Trước hết, sự phát triển của mối quan hệ này đem lại lợi ích cho cả hai nước. Mỹ có lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cả về kinh tế, thương mại lẫn địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Việt Nam cũng vậy. Do đó, sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ có được sự đồng thuận của cả hai đảng phái ở Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách coi trọng quan hệ với các nước trong khu vực và các nước lớn, chính sách này phù hợp với cả quan điểm của ông Trump và bà Harris.

Thêm vào đó, ông Trump và bà Harris không phải “gương mặt mới” trong quan hệ với Việt Nam. Ông Trump đã có một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và từng hai lần đến Việt Nam vào năm 2017 và 2019 với những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Việt Nam. Bà Harris năm 2021 là lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Phó Tổng thống Mỹ cũng đã đến thăm Việt Nam.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-se-tac-dong-sau-rong-den-kinh-te-toan-cau-post594523.antd