Kết quả giám sát việc quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023'. Mở đầu nội dung làm việc sáng 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát đã trình bày báo cáo về nội dung này. Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã xem phim tóm tắt Báo cáo do Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện .

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.

Khoảng 3.363 dự án bất động sản đã và đang triển khai trên quy mô hơn 111,9 triệu m2 đất, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị.

Riêng bất động sản công nghiệp, có 413 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng 73%. Đến nay, cả nước đã có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 567 nghìn căn. Đề án 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã được triển khai.

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập. Sau một thời gian tăng trưởng nóng, sang giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng.

Tại các đô thị lớn, giá bất động sản cũng liên tục tăng mạnh, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân.

Dư thừa sản phẩm cao cấp, bất động sản du lịch, lưu trú phục vụ đầu tư tài chính, trong khi gần như không có nhà ở phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.

Về nhà ở xã hội, việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân đầu tiên là quá nhiều tiêu chuẩn khiến người dân khó tiếp cận chính sách, quy trình đầu tư nhà ở xã hội còn nhiều thủ tục chồng chéo, từ phê duyệt đến cấp phép. Các chính sách khuyến khích đầu tư vào nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền. Có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài ra, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội. Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Bố trí thỏa đáng ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giải quyết các vướng mắc của người dân là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hoàng Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ket-qua-giam-sat-viec-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-nha-o-xa-hoi-241120.htm