Kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt, OCB thận trọng mục tiêu năm 2023
Tổng Giám đốc OCB thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt, nên ngân hàng có sự thận trọng rất cao với kế hoạch năm 2023, khi chỉ đề ra mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, thấp hơn mức kế hoạch 2022 là 7.000 tỷ đồng.
Sáng 28/04, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và thay đổi địa chỉ trụ sở chính, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Khiêm tốn mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2023
Theo phương án HĐQT trình tại đại hội, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Tổng tài sản dự kiến tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ thị trường 1 tăng 20% lên 147.330 tỷ đồng (phụ thuộc vào phê duyệt của NHNN). Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ.
Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Tại đại hội, giải trình thắc mắc của cổ đông về cơ sở để ngân hàng đạt được kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng gần 40% khi năm 2022 không hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB thẳng thắn, phải thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt. Trong quá trình cải tổ, phát triển của OCB từ giai đoạn khó khăn năm 2012 đến nay, 2022 là năm duy nhất ngân hàng không đạt kế hoạch.
"Trước đại hội, hệ thống điều hành chúng tôi đã nghiêm túc đánh giá lại và đây là tư liệu quan trọng để chúng tôi lập kế hoạch kinh doanh 2023", Tổng Giám đốc OCB khẳng định.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.389 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 62% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,71% (năm 2021 là 0,97%), chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn nằm trong ngưỡng NHNN cho phép (dưới 3%).
Năm 2022 thị trường được nhìn nhận rất lạc quan, nền kinh tế như lò xo nén sau 2 năm Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến trong năm không đúng như dự báo và chưa lường trước được.
Các hoạt động chính của OCB vẫn tăng trưởng trong năm 2022. Chênh lệch 1.500 tỷ đồng giữa kế hoạch và thực tế là mức thu nhập kỳ vọng từ trái phiếu chính phủ.
"Kế hoạch 2023 là 6.000 tỷ đồng, khiêm tốn hơn kế hoạch kinh doanh 2022 là 7.000 tỷ. Chúng tôi đã có sự thận trọng rất cao và sự tăng trưởng lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng như kế hoạch là phù hợp", ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB
Mới đây, OCB vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 983 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng được OCB trình cổ đông trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 hôm nay, ngân hàng đã thực hiện được gần 15% mục tiêu lợi nhuận năm.
Phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Tăng vốn điều lệ là nội dung quan trọng tiếp theo được trình tại đại hội, theo OCB, trong năm 2022, ngân hàng chưa thực hiện được việc tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua.
Do đó, OCB tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên hơn 20.548 tỷ đồng trong năm nay thông qua việc phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 50%. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo ban lãnh đạo OCB, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định. OCB sẽ sử dụng vốn huy động được bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (khoảng 6.176 tỷ đồng), còn lại để nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định, đầu tư công nghệ thông tin,...
Tính đến ngày 31/3, các tổ chức nước ngoài sở hữu 21,317% vốn của OCB. Trong đó, Azora Bank sở hữu 15%.
Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngân hàng dự kiến nâng số lượng thành viên HĐQT từ 8 thành viên lên 9 thành viên, đồng thời bầu bổ sung 2 thành viên quản trị do HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang khuyết 1 thành viên.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.
Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.
Bên cạnh đó, trong kỳ đại hội lần này, HĐQT OCB cũng đã trình cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng.
Hiện nay, trụ sở chính được đặt tại số 41 (tầng trệt, tầng lửng, tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT OCB nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP HCM đáp ứng được yêu cầu của OCB, với vị trí tòa nhà nằm tại khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TP HCM.