Kết quả tích cực từ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Bài 2: Hướng đến mục tiêu toàn diện trong công tác cán bộ

Việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (Nghị quyết 26) đã được BCH Đảng bộ tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện sâu rộng, toàn diện và mang lại hiệu quả tích cực. Kết quả đạt được sau 3 năm thực Nghị quyết 26 là đòn bẩy để Quảng Trị ổn định đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, BCH Đảng bộ tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục.

* Kết quả tích cực từ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Bài 1: Chỉ đạo sâu sát, triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả

Những tồn tại cần khắc phục

Nghị quyết 26 đề ra mục tiêu tổng quát: xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…

Việc thực hiện Nghị quyết 26 tại Quảng Trị có nhiều điểm nhấn nổi bật thể hiện tính đúng đắn trong công tác chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ tỉnh. Tuy vậy, việc nhìn ra những hạn chế và chỉ đạo khắc phục cũng cho thấy sự chủ động của tỉnh trong việc áp dụng Nghị quyết 26 vào thực tiễn địa phương. Từ trước tới nay, sự hưng thịnh hay suy vong của bất kỳ quốc gia - dân tộc hay chế độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ.

Bởi cán bộ là những người có vai trò “rường cột” trong tham mưu hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ‘‘Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. BCH Đảng bộ tỉnh rất coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ đối với nhiệm vụ chính trị cũng như sự phát triển chung của tỉnh, luôn xem công tác tổ chức, xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Chính vì vậy, việc nhìn ra những hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 26 đã cho thấy sự chỉ đạo sát sao của BCH Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu khắc phục những hạn chế bằng những việc làm, hành động cụ thể trong chỉ đạo.

 Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh - Ảnh: X.H

Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh - Ảnh: X.H

Những hạn chế đó là một số địa phương còn chậm trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt có nơi hiệu quả vẫn chưa cao, nặng về lý luận, thiếu liên hệ với thực tiễn của địa phương, chưa có lộ trình thực hiện cụ thể.

Việc thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105-KH/TU nhìn chung mới chỉ thực hiện ở các nhiệm vụ thường xuyên; các mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đã hoàn thành nhưng 2 trọng tâm, 5 đột phá nêu trong Nghị quyết 26 hoặc chưa thực hiện được, hoặc thực hiện nhưng kết quả mang lại chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số khâu trong công tác cán bộ vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ tuy đã có nhiều giải pháp, cách làm mới nhưng hiệu quả có nơi vẫn chưa cao; chưa thực sự là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Tỉ lệ nữ, trẻ trong quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu. Cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo, giãn cách giữa các độ tuổi chưa đảm bảo tối thiểu 5 năm; nhiều cán bộ trong quy hoạch cùng độ tuổi dẫn đến tình trạng hẫng hụt. Vẫn còn hiện tượng quy hoạch “chạy theo” bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa theo kịp nhu cầu; hiệu quả chưa cao, nhất là đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chưa có sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa quy hoạch và đào tạo cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ chưa có trọng tâm, trọng điểm; một số cán bộ luân chuyển không phải là cán bộ trẻ; tình trạng luân chuyển để đảm bảo tiêu chuẩn “kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới” vẫn còn diễn ra. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ cấp cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nơi vẫn còn yếu. Số lượng cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế không nhiều. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý có khi chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Chưa mạnh dạn, quyết liệt trong việc thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp để bổ sung nhân tố mới, nhân tố trẻ.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua được kiện toàn, nhưng do nhiều năm chưa được trung ương điều động nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo có hiện tượng già hóa trong công tác cán bộ, không có điều kiện để bố trí cán bộ trẻ. Đến nay, Quảng Trị vẫn chưa có nhân sự tại chỗ trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Việc tồn tại một số vấn đề trong thực hiện, triển khai Nghị quyết 26 tại Quảng Trị do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với những đặc thù và yếu tố lịch sử riêng, tỉnh Quảng Trị không thể không gặp những vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 26. Vì vậy, BCH Đảng bộ tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị cần phải rút ra những bài học trong vấn đề khắc phục những hạn chế, hướng đến mục tiêu toàn diện nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất để áp dụng vào tình hình thực tế.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Trên cơ sở kết quả đạt được và một số hạn chế, khó khăn, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105-KH/ TU với các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện. Bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhất là 2 trọng tâm, 5 đột phá đã nêu tại Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105-KH/TU để chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện. Rà soát, cụ thể hóa, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ phù hợp với văn bản mới của cấp trên và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ, thống nhất. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời gắn trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định trên tất cả các khâu trong công tác cán bộ gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đánh giá cán bộ. Quan tâm luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, công tác luân chuyển cán bộ đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn tiếp theo.

 Đoàn Giám sát Tỉnh ủy cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang đi thực tế tại cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Ảnh: X.H

Đoàn Giám sát Tỉnh ủy cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang đi thực tế tại cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Ảnh: X.H

Tiếp tục chuẩn hóa, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí và việc làm; nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo cán bộ dự nguồn diện BTV Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Có kế hoạch cụ thể để phát hiện, bố trí, sử dụng để đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105-KH/ TU và các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Định kỳ sơ kết, đánh giá để kịp thời có phương án lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 105-KH/TU, ngoài việc áp dụng khoa học vào thực tiễn của địa phương, BCH Đảng bộ tỉnh đã nhìn ra được những hạn chế và chỉ đạo khắc phục nhằm đưa Quảng Trị ổn định trong công tác xây dựng và tổ chức đội ngũ cán bộ.

BCH Đảng bộ tỉnh đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ quản lý của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo góp phần đưa Quảng Trị phát triển bền vững và hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ trong tương lai.

Đức Lập - Xuân Hợp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170932&title=ket-qua-tich-cuc-tu-cong-tac-xay-dung-doi-ngu-can-bo-ngang-tam-nhiem-vu-bai-2-huong-den-muc-tieu-toan-dien-trong-cong-tac-can-bo