Kết thúc khủng hoảng chính trị tại Italy

Với nhiều kịch bản được giới phân tích đưa ra sau khi liên minh giữa đảng dân túy phong trào 5 sao (M5S) với đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) tan vỡ đẩy Italy vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Giuseppe Conte tiếp tục giữ chức Thủ tướng Italy

Giuseppe Conte tiếp tục giữ chức Thủ tướng Italy

Cuối cùng, đảng M5S và đảng Dân chủ (PD) đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh và tránh được một cuộc bầu cử trước thời hạn. Thỏa thuận mới đạt được giữa hai đảng đã mở ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị thời gian qua tại “Đất nước hình chiếc ủng”.

Khủng hoảng chính trị và suy thoái kinh tế

Italy đã vướng vào vòng xoáy khủng hoảng và bất ổn chính trị mới, sau quyết định của Phó Thủ tướng Matteo Salvini và đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) rút lại sự ủng hộ và đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Giuseppe Conte, phá vỡ liên minh mong manh với M5S, đồng thời kéo theo việc Thủ tướng Conte đệ đơn từ chức vào ngày 20-8. Động thái này cũng đã chấm dứt 14 tháng cầm quyền không yên bình của Chính phủ liên minh đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy Phong trào 5 Sao.

Một thực tế là kể từ khi thành lập vào tháng 6-2018 đến nay, chính phủ liên minh Italy luôn tồn tại những mâu thuẫn trong hoạch định đường lối chính sách, bất đồng trong cải cách chính sách thuế, luật an ninh, hiến pháp, cùng chính sách quản lý nhập cư gây tranh cãi. Bên cạnh đó, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Lega lên đến 39%, trong khi M5S đã giảm một nửa so với năm 2018 và chỉ đạt 15%.

Lega cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5 vừa qua, đạt 24% số phiếu ủng hộ, còn M5S chỉ được 15%, thấp hơn số phiếu hơn 23% cho đảng Dân chủ. Kết quả bầu cử châu Âu cũng phản ánh bất đồng sâu sắc của liên minh cầm quyền về ứng cử viên Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, khi Lega phản đối cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp quyền lực nhất châu Âu còn M5S thì ủng hộ. Căng thẳng trong liên minh cầm quyền Italy bị đẩy lên cao sau cuộc bỏ phiếu mâu thuẫn tại quốc hội về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Turin của Italy và thành phố Lyon của Pháp.

Việc chính phủ liên minh cầm quyền Italy chính thức sụp đổ đã được giới phân tích dự báo là sẽ tác động tới tình hình kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi “khiêm tốn” của Italy. Nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào "suy thoái kỹ thuật” hồi cuối năm 2018 và hiện chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho rằng sau khi phục hồi "khiêm tốn", nền kinh tế Italy đang suy yếu.

Ngân hàng Trung ương Italy mới đây dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm nay và đạt 0,8% trong năm 2020. Với tỷ lệ nợ công hiện ở mức cao kỷ lục khoảng 2.386 tỷ euro, tương đương 134% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt mức trần 60% GDP theo quy định của EU, Italy hiện là "con nợ" lớn thứ hai trong Eurozone và bị xem là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Eurozone.

Không chỉ tác động tới kinh tế Italy, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, dưới bất kỳ sắc thái chính trị nào, cuộc khủng hoảng chính phủ tại Italy là mối hiểm họa cho “lục địa già”, nối tiếp hệ lụy từ việc Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu còn gọi là Brexit, đồng thời gây tổn hại tới nền kinh tế thế giới. Tạp chí Forbes của Mỹ coi đây là: “Một mối đe dọa mang tính hệ thống mới” với nền kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, hãng truyền thông Đức Deutsche Welle còn đưa ra những nhận định khắc nghiệt khi xác định cuộc khủng hoảng chính phủ Italy là “cơn ác mộng của châu Âu”, đặc biệt vấn đề nợ công của Rome và hệ lụy của khối nợ công khổng lồ tới các quốc gia thành viên.

Lối thoát được mở ra

Nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính phủ, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã tham vấn lãnh đạo các đảng lớn của Italy trong Quốc hội, trong đó có đảng Dân chủ, Tiến lên Italia (Forza Italia), Liên đoàn và Phong trào 5 Sao để đánh giá việc có thể thành lập liên minh mới hay không.

Tại vòng tham vấn thứ nhất diễn ra trong 2 ngày 22 và 23.8, định hướng giữa các chính đảng vẫn chưa rõ ràng và dứt khoát. Sau vòng tham vấn này, ngày 23-8, lãnh đạo đảng dân M5S Luigi Di Maio và lãnh đạo đảng PD Nicola Zingaretti đã có cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh mới "vàng - đỏ". Điểm đáng chú ý trong cuộc đàm phán là việc lãnh đạo M5S đưa ra đề nghị đối với việc Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ tiếp tục làm Thủ tướng của chính phủ mới.

Ông Di Maio đã đưa ra tối hậu thư cho lãnh đạo PD yêu cầu câu trả lời trong 24 giờ, đồng thời cảnh báo sẽ quay lại liên minh với đảng cực hữu Liên đoàn nếu không đạt được thỏa thuận với PD. Trong khi đó, lãnh đạo PD Zingaretti cho rằng, Italy hiện cần một có một chính phủ thay đổi. Dự định của PD là muốn đưa cựu Thủ tướng Paolo Gentiloni trở lại là người đứng đầu chính phủ.

Tiếp theo đó, ngày 27-8, Tổng thống Italy Mattarella đã tiến hành vòng tham vấn chính trị vòng 2. Với sự có mặt của Thủ tướng Conte, lãnh đạo hai đảng PD và M5S đã đàm phán về chương trình hành động cụ thể của chính phủ mới, trong đó vấn đề về tương lai của Thủ tướng Conte được cho là nút thắt quan trọng nhất.

Đã có ít nhất 3 kịch bản có thể xảy ra sau các cuộc tham vấn đó là chính phủ "đỏ - vàng" - tức liên minh gồm M5S (vàng) và đảng Dân chủ - PD (đỏ); hoặc chính phủ liên minh “Ursula”, được đặt theo tên của người được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, bao gồm đảng PD trung tả, đảng Tiến lên Italy (Forza Italia) và M5S, các lực lượng chính ủng hộ bà Ursula von der Leyen là Chủ tịch EC; hoặc một chính phủ kỹ trị. Còn trong trường hợp không có lựa chọn nào khả dĩ, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ phải giải tán quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn, sớm nhất vào đầu tháng 10 tới.

Cuối cùng thì ngày 28.8, lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy đã chính thức được mở ra khi, đảng phong trào 5 sao và Đảng Dân chủ tại Italy đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh “vàng - đỏ” mới, trong đó Thủ tướng Italy Giuseppe Conte - người vừa đệ đơn từ chức hồi tuần trước sẽ dẫn dắt liên minh này.

Dự kiến trong ngày 29.8 theo giờ địa phương, tức chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ triệu Thủ tướng Conte tới và ủy quyền cho ông việc thành lập chính phủ mới. Chính phủ mới này sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội.

Sau khi Đảng M5S và Đảng Dân chủ tại Italy đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh. Liên minh châu Âu cho biết, Brussels rất vui mừng khi Đảng M5S và Đảng PD đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh nhằm tránh quay trở lại nguy cơ bầu cử sớm.

Trong khi đó, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Giuseppe Conte là một thủ tướng đáng kính của Italy. Ông ấy là đại diện mạnh mẽ cho Italy tại G7. Ông ấy rất yêu đất nước của mình và làm tốt công việc trong quan hệ với Mỹ. Một người đàn ông rất tài năng và tôi hy vọng ông ấy tiếp tục làm thủ tướng”.

Giới phân tích nhận định một liên minh mới được hình thành giữa Đảng dân túy phong trào 5 sao và Đảng Dân chủ sẽ là điều cần thiết nhằm đảm bảo cho sự ổn định chính trị, nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội tại Italy trong bối cảnh chính trường đất nước vùng Địa Trung Hải này đang trở nên ngày một chao đảo, chia rẽ, phân rã.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/ket-thuc-khung-hoang-chinh-tri-tai-italy-115303