Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: An toàn, trật tự

Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trần Quốc Toản trao đổi kết quả làm bài sau khi thi xong môn Địa lý - Ảnh: THÚY HẰNG

Sáng 27/6, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã kết thúc với bài thi Khoa học xã hội (KHXH). Tại Cụm thi tỉnh Phú Yên, có 7.072 thí sinh dự thi môn Lịch sử, 6.980 thí sinh dự thi môn Địa lý, 6.687 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, ở môn thi cuối cùng này, 23 điểm thi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Như vậy, kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tại Cụm thi tỉnh Phú Yên không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

Ghi nhận tại các điểm thi trong môn thi cuối cùng này, tâm trạng của các thí sinh khá tốt, nhiều em nhận định đề môn tổ hợp KHXH nhìn chung bám sát chương trình học và ôn tập. Trong 3 đề thì môn Lịch sử có tính phân hóa cao nhất, để lấy được điểm 8, 9 ở môn này là rất khó. Còn ở môn Địa lý, nếu thí sinh biết vận dụng kiến thức kết hợp với Atlat thì rất dễ kiếm được điểm trung bình. Đề môn Giáo dục công dân dễ kiếm được điểm khá nhất. Thí sinh Hoàng Văn Lâm, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, so với hai môn Địa lý và Giáo dục công dân, thì đề Lịch sử có phần khó hơn do nhiều mốc thời gian nên một số câu em bị nhầm lẫn. Tuy nhiên em hài lòng với bài làm của mình ở tổ hợp môn này. Tương tự, thí sinh Trần Nhật Lệ, Trường THPT Nguyễn Trãi cho hay: “Em ấn tượng nhất là những câu hỏi thực tế trong đề thi Giáo dục công dân. Những câu này rất hay, thí sinh tư duy một chút là có được đáp án đúng”.

Với quy chế sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ chính để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nên kết quả thi khách quan, trung thực không chỉ đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, lựa chọn được các thí sinh xứng đáng vào các trường đại học, cao đẳng mà còn góp phần củng cố, phát huy niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tổ chức họp đánh giá về kỳ thi cũng như triển khai công tác chấm thi.

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết, công tác chấm thi được tiến hành từ ngày 28/6. Hội đồng chấm thi trắc nghiệm và tự luận đều đặt tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Trong đó, chấm thi trắc nghiệm do Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện, còn chấm thi tự luận do 120 giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện. Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi vào ngày 14/7.

CÔ NGUYỄN THỊ CẨM GIAO, TỔ TRƯỞNG TỔ SỬ - ĐỊA - GIÁO DỤC CÔNG DÂN TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI: Đề Lịch sử có sự phân hóa cao

Đề năm nay tập trung trong chương trình lịch sử lớp 12. Nội dung lớp 11 chiếm khoảng 1,5 điểm. Số lượng câu hỏi mang tính chất thông hiểu, nhận biết chiếm đa số, chỉ cần học sinh có học bài, nghe giảng trên lớp là có thể đạt điểm trung bình để xét tốt nghiệp. Các câu hỏi nhằm để phân hóa năng lực học tập của thí sinh chủ yếu tập trung vào 10 câu cuối với các hình thức đa dạng như nhận xét các đánh giá, tìm điểm tương đồng, so sánh các sự kiện lịch sử… Những câu hỏi vận dụng này đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích, so sánh, tổng hợp mới có thể có đáp án đúng.

Với đề thi này, phổ điểm có thể nhích hơn năm ngoái 1-2 điểm ở phân khúc thí sinh có học lực trung bình, còn để đạt điểm cao thì không dễ.

CÔ TRẦN THỊ THANH THU, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ: Đề Địa lý dễ lấy điểm trung bình

Đề Địa lý chủ yếu thuộc chương trình kiến thức lớp 12 (90%), 10% thuộc chương trình lớp 11, giảm 20% so với năm 2018 - đây là điểm mới mà năm nay Bộ GD-ĐT đã thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đề không xuất hiện dạng câu hỏi mới lạ hoặc gây nhiễu cho thí sinh. Chuyên đề thực hành kỹ năng địa lý chiếm nhiều nhất trong đề thi (15 câu), đây là phần mà thí sinh chỉ cần có kỹ năng sử dụng Atlat là có thể đạt được điểm.

Đề thi năm nay, câu hỏi vận dụng cao giảm so với đề thi năm 2018 cả về mức độ khó và số lượng (từ 12 xuống còn 6 câu). Các câu hỏi vận dụng trong đề thường hỏi về các giải pháp, ý nghĩa phát triển kinh tế của các vùng; tuy không mới nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu sắc và vận dụng phù hợp với từng vùng. Nhìn chung đề hay nhưng không quá khó.

CÔ NGUYỄN THỊ NỮ, GIÁO VIÊN MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Tránh bị điểm liệt

Đề thi môn Giáo dục công dân đảm bảo nội dung kiến thức, bám sát định hướng đề minh họa của Bộ GD-ĐT, trong đó có 10% kiến thức lớp 11, 90% kiến thức lớp 12.

So với đề thi năm ngoái, đề thi năm nay có tính tương đồng nên học sinh dễ dàng tiếp cận, không bất ngờ. Với đề thi này, học sinh khó mà bị điểm liệt; phổ điểm từ 5-8 cao. Học sinh nếu nắm được kiến thức cơ bản sẽ dễ dàng lấy điểm trên trung bình.

Tuy vậy, đề vẫn có tính phân hóa tốt. Một số câu có cách đặt câu hỏi rất hay, yêu cầu học sinh không chỉ học lý thuyết, biết cách xử lý tình huống mà còn phải biết vận dụng, tư duy.

THÚY HẰNG - HÀ MY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/222619/ket-thuc-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019--an-toan-trat-tu.html