Kết thúc nắng nóng, Hà Nội bước vào đợt mưa, dông diện rộng
Tối và đêm nay (19-7), Hà Nội xảy ra mưa, dông. Chính thức kết thúc nắng nóng. Từ ngày 20 đến 22-7, Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ bước vào đợt mưa, dông diện rộng kèm theo nhiều loại hình thời tiết nguy hiểm. Người dân lưu ý các biện pháp phòng tránh lốc, sét, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất...
Mặc dù nhiều mây, nắng không chói chang nhưng tiết trời Hà Nội hôm nay (19-7) vẫn khá nóng bức. Nhiệt độ cao nhất ghi được tại trạm khí tượng Sơn Tây là 36,6 độ C, Láng 35,8 độ C, Ba Vì và Hoài Đức 35,7 độ C, Hà Đông 35,5 độ C...
Tuy nhiên, do vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh nên đêm nay và sáng mai (20-7), thành phố Hà Nội xảy ra mưa rào và rải rác có dông, kéo nền nhiệt xuống còn 26-29 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 20 đến 22-7, vùng hội tụ gió trên cao tiếp tục hoạt động mạnh hơn nên nắng nóng chính thức kết thúc, thành phố Hà Nội bước vào đợt mưa, dông diện rộng; nhiệt độ cao nhất trong những ngày này chỉ còn 34-35 độ C. Mưa, dông làm dịu mát không khí nhưng kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Lốc, sét và gió giật mạnh...
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, giảm thiệt hại về tài sản, người dân Thủ đô lưu ý, trước khi ra khỏi nhà đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để làm việc... nhớ kiểm tra, chốt lại các cửa sổ, cửa ra vào và mang theo áo mưa.
Khi xảy ra mưa dông, người dân hạn chế tham gia giao thông trên các tuyến đường có nhiều cây cổ thụ để phòng tránh nguy cơ gãy đổ cành và cây; không trú tránh dưới các công trình đang xây dựng hoặc đứng gần trạm biến áp, cột ăng ten viễn thông...
Tương tự Hà Nội, từ đêm nay đến ngày 22-7, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông, suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4m. Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên... có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
Để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, ngày 19-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại...
Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đập và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra...