Kêu gọi đầu tư 3 cụm công nghiệp mới
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho 3 cụm công nghiệp: Sơn Bình, Tân Lập và Ninh Xuân.
Mở ra nhiều triển vọng
3 CCN mà UBND tỉnh kêu gọi đầu tư đều nằm ở khu vực nông thôn. Trong đó, CCN Sơn Bình (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) có diện tích 18ha; CCN Tân Lập (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) có diện tích 40ha và CCN Ninh Xuân (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) có diện tích 50ha. Những CCN này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra giá trị CN trên địa bàn, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động của địa phương. Các CCN mới được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn và miền núi của tỉnh; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân. Sự phát triển của các CCN sẽ kéo theo sự hình thành những cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực như: giao thông, điện, nước, dịch vụ… Đáng chú ý, CCN Sơn Bình nếu hình thành sẽ là CCN đầu tiên của huyện miền núi Khánh Sơn; qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu mỗi địa phương có 1 CCN do UBND tỉnh đề ra.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN là hết sức cần thiết đối với các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đối với CCN Ninh Xuân của thị xã Ninh Hòa, nếu hình thành sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội cho các xã cánh tây của thị xã. Khu vực này vốn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nếu có CCN sẽ tạo nên sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ sở sản xuất gạch nung chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển vào CCN sản xuất các loại gạch không nung.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, ngay khi UBND tỉnh cho kêu gọi đầu tư, CCN Tân Lập và CCN Ninh Xuân đã có nhà đầu tư đăng ký. Riêng CCN Tân Lập cùng lúc có tới 2 nhà đầu tư. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phát Tiến (TP. Nha Trang) xin đầu tư hạ tầng với tổng mức hơn 40 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2021 sẽ có nhà đầu tư thứ cấp vào đăng ký và năm 2023 sẽ lấp đầy CCN. Một chủ đầu tư khác là Công ty Cổ phần Tuệ Nghi (Nha Trang) cũng xin đầu tư nhưng với tổng mức đầu tư lên đến 447 tỷ đồng. Dự kiến đến quý III/2023 sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng. Cả 3 CCN đều ưu tiên phát triển các ngành nghề tiềm năng, ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ mới. Các ngành chế biến thủy sản, dệt nhuộm, thuộc da, chế biến tinh bột sắn, giết mổ sẽ không được cấp phép tại các CCN này.
Mặt thuận lợi là địa điểm để xây dựng các CCN đều là đất nông nghiệp, do đó chi phí giải phóng mặt bằng sẽ thấp và thuận lợi trong khâu bồi thường.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, lo lắng nhất hiện nay là kêu gọi đầu tư vào CCN Sơn Bình. Đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào dự án này. Bởi huyện Khánh Sơn có những khó khăn nhất định so với các địa phương khác. Ở đây dù có nguồn nhân lực lớn, song đường giao thông kết nối với các khu vực khác còn hạn chế. Ngoài ra, yếu tố địa hình đồi núi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính toán đầu tư.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, với mục tiêu phát triển CN đi đôi với tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm và bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào các CCN, các khu sản xuất CN - tiểu thủ CN và làng nghề trên địa bàn. Trước mắt, để kêu gọi đầu tư vào 3 CCN: Sơn Bình, Tân Lập và Ninh Xuân, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển CN chế biến theo hướng tinh chế; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và chuẩn bị tốt môi trường đầu tư; thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN... Đồng thời, tỉnh cũng sẽ áp dụng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhằm giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cho các nhà đầu tư.
Đình Lâm