Kêu gọi quyên góp, chính phủ Ukraine nhận hơn 10 triệu USD tiền ảo
Chính phủ Ukraine kêu gọi người dân quyên góp bằng tiền ảo trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự tại miền Đông nước này và thu về hơn 10 triệu USD chỉ sau 2 ngày.
Tài khoản Twitter chính thức của chính phủ Ukraine vào hôm 26/2 đã đăng tải địa chỉ của hai ví điện tử, để nhận quyên góp từ cộng đồng bằng tiền ảo. Trong đó, một ví chỉ nhận Bitcoin và ví còn lại nhận Ethereum và Tether - tiền ảo được neo giá vào đồng USD.
Chính phủ Ukraine nhận hơn 10 triệu USD tiền ảo sau khi kêu gọi quyên góp. Ảnh: CNBC.
Chia sẻ trên Twitter, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov đã đăng tải các địa chỉ ví tiền ảo trên với thông điệp: “Hãy ủng hộ người dân Ukraine. Chúng tôi hiện nhận quyên góp bằng tiền ảo”.
Tính đến ngày 27/2, hai ví điện tử này đã nhận được hơn 10,2 triệu USD tiền ảo, theo hãng phân tích Elliptic. Đây là số tiền điện tử lớn nhất mà chính phủ Ukraine huy động được, nhằm hỗ trợ quân đội nước này.
Theo Elliptic, khoảng 1,86 triệu USD tiền quyên góp cũng được gửi cho Chính phủ Ukraine thông qua việc bán NFT. Số NFT này ban đầu dự định được bán để huy động tiền cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.NFT là một loại tài sản số sử dụng blockchain, đại diện cho quyền sở hữu các tài sản ảo như tác phẩm nghệ thuật, nhân vật game..
Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov đã đăng tải các địa chỉ ví tiền ảo nhận quyên góp. Ảnh: Twitter.
Tiền ảo đang trở thành một công cụ giúp chính phủ Ukraine huy động quyên góp trong bối cảnh xung đột vũ trang với Nga leo thang, sau khi quân đội Nga tiến vào nước này hôm 24/2.
Come Back Alive, một tổ chức phi chính phủ cung cấp trang thiết bị cho quân đội Ukraine đã bắt đầu nhận quyên góp bằng tiền ảo kể từ năm 2018. Từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, tổ chức này đã huy động được hàng triệu USD bằng tiền điện tử.
Tổng cộng số tiền ảo được quyên góp cho chính phủ Ukraine và các tổ chức phi chính phủ để ủng hộ quân đội Ukraine lên tới 16,7 triệu USD, theo Elliptic.
“Các loại tài sản số như Bitcoin đang nổi lên như một công cụ thay thế quan trọng để huy động tiền từ cộng đồng”, Tom Robinson, nhà phân tích của Elliptic, nhận định.
Ông này nói thêm: “Phương thức này cho phép các khoản quyên góp nhanh chóng, xuyên biên giới, qua mặt các tổ chức tài chính kể cả họ có quyền chặn giao dịch với những tổ chức này”.
Tuần trước, trang gây quỹ trên nền tảng Patreon của tổ chức Come Back Alive đã bị đình chỉ hoạt động. Patreon nói rằng nền tảng này “không cho phép bất kỳ chiến dịch gây quỹ nào có liên quan tới bạo lực hay mua bán thiết bị quân sự”.
Quân đội Ukraine ban đầu nói rằng họ không nhận quyên góp bằng các loại tiền ảo như Bitcoin, do chính phủ nói rằng “pháp luật quốc gia không cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng các hệ thống thanh toán khác (Webmoney, Bitcoin, PayPal,..). Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã có quan điểm bớt hà khắc hơn.
Ở một diễn biến khác, vào hôm 27/2, Phó Thủ tướng Ukraine Fedorov đã kêu gọi các sàn tiền ảo lớn chặn các giao dịch thanh toán cho người dùng Nga.
“Cần phải đóng băng không chỉ các tài khoản có liên quan tới chính trị gia Nga và Belarus. mà còn cả những người dùng thông thường”, ông Fedorov chia sẻ trên trang cá nhân Twitter.
Mỹ, các nước đồng minh châu Âu và Canada vào hôm 26/2 đã đồng ý loại bỏ một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các nước này cũng đồng ý sẽ ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) sử dụng các nguồn dự trữ quốc tế như một biện pháp trừng phạt.
Hương Vũ (Theo CNBC)