Khác biệt trong tác động của vitamin D2 và D3
Các nhà khoa học đã đánh giá tác động của vitamin D đối với sự biểu hiện gen.
GD&TĐ - Các nhà khoa học đã đánh giá tác động của vitamin D đối với sự biểu hiện gen.
Kết quả cho thấy, có sự khác biệt đáng kể giữa việc bổ sung vitamin D2 và vitamin D3. Các phát hiện được công bố trên tạp chí Frontiers in Immunology. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, vitamin D3 có thể hiệu quả hơn trong việc tăng cường hệ miễn dịch so với vitamin D2.
Vitamin D thường có hai dạng chính: ergocalciferol (vitamin D2) và cholecalciferol (vitamin D3). Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, vitamin D3 có hiệu quả hơn nhiều trong việc nâng cao nồng độ vitamin D.
Để bổ sung thông tin, nghiên cứu mới đã xem xét dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng, có đối chứng với giả dược. Họ so sánh tác dụng của các chất bổ sung vitamin D2 và vitamin D3 ở hàng trăm phụ nữ khỏe mạnh.
“Đáng chú ý, sau khi bổ sung vitamin D3, phần lớn những thay đổi trong biểu hiện gen phản ánh sự điều hòa hoạt động của gen. Nhiều con đường mã hóa của hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích nghi, có khả năng chuyển hệ thống miễn dịch sang trạng thái dung nạp hơn. Đáng ngạc nhiên, sự biểu hiện gen liên quan đến hoạt động của interferon loại I và loại II.
Đây là yếu tố rất quan trọng trong phản ứng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus gây ra. Sự biểu hiện đó khác nhau sau khi bổ sung vitamin D2 hoặc vitamin D3. Kết quả cho thấy, chỉ vitamin D3 có tác dụng kích thích”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Colin Smith - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, việc giảm tín hiệu interferon loại I có liên quan đến tăng tính nhạy cảm với các bệnh do virus gây ra. Vì vậy, ông giả thuyết rằng, vitamin D3 có thể hiệu quả hơn vitamin D2 trong việc tăng cường các phản ứng miễn dịch chống lại virus.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng, vitamin D3 có khả năng kích thích hệ thống truyền tín hiệu interferon loại I trong cơ thể. Đây là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch cung cấp tuyến bảo vệ đầu tiên chống lại vi khuẩn và virus”, ông Smith giải thích.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sau 12 tuần thử nghiệm, ở một số người dùng vitamin D2, nồng độ vitamin D trong tuần hoàn thấp hơn so với mức được thấy ở nhóm dùng giả dược. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, vitamin D2 có thể làm cạn kiệt hoặc mất tác dụng của vitamin D3.
Đồng tác giả nghiên cứu Susan Lanham - New kêu gọi điều tra khẩn cấp về sự khác biệt chức năng giữa hai dạng vitamin. Tuy nhiên, trước mắt, bà cho rằng, vitamin D3 có thể trở thành chất bổ sung ưa thích của hầu hết mọi người.