Khắc ghi bài học sau những lần gặp Bác Hồ

Năm nay đã ở tuổi 85 nhưng khi kể về câu chuyện những lần vinh dự được gặp Bác Hồ cách đây mấy chục năm, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư vẫn nhớ như in những chi tiết nhỏ, từng cử chỉ, lời thăm hỏi của Bác. 'Tôi là một trong những người dân Thủ đô đã có điều kiện nghe Bác nói chuyện nên cảm thấy thấm thía vô cùng. Đến cuối đời, tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì đã được gặp Bác, học Bác từ những điều nhỏ nhất', bà Thư bày tỏ.

Mỗi lần gặp Bác là một kỉ niệm thiêng liêng

Bà Đạm Thư vốn sinh ra trong một gia đình cả bên nội, bên ngoại đều có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sĩ được lưu danh tại Văn Miếu. Trước cách mạng, gia đình bà Thư ở cuối phố Phan Chu Trinh (Hà Nội) thuộc khu phố Tây, xung quanh hàng xóm toàn người Tây.

Ảnh chụp Bác Hồ tại Đại hội Phụ nữ 5 tốt mà bà Đạm Thư vẫn còn giữđược (bà Thư ngồi thứ 2, hàng ghế thứ 2 từ phải sang)

Ảnh chụp Bác Hồ tại Đại hội Phụ nữ 5 tốt mà bà Đạm Thư vẫn còn giữđược (bà Thư ngồi thứ 2, hàng ghế thứ 2 từ phải sang)

Năm 1945, bà Thư có nhiều dịp theo mẹ về bên ngoại ở phố Hàng Đào. Những ngày gần khởi nghĩa tháng 8/1945, ở tuổi lên 10, bà Thư cảm nhận rõ nét không khí cách mạng sục sôi lan khắp khu phố cổ, nhất là cửa hàng bán vải ở phố Hàng Đào của bà ngoại luôn tấp nập người mua vải vàng, vải đỏ để may cờ Tổ quốc.

Cũng bắt đầu từ thủa lên 10, bà Thư đã có dịp vinh dự lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh của Bác, được nghe Bác Hồ nói chuyện. Đó là vào ngày 2/9/1945, bà theo chân các dì, các chị tham dự mít tinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Bà kể, ngày hôm đó đông lắm, nắng lắm,vì còn nhỏ tuổi và đứng ở xa nên bà cũng ko nghe tường tận từng lời Bác Hồ nói. Thế nhưng lời nói cuối cùng trước khi kết thúc buổi mít tinh thể hiện ý chí, quyết tâm dành độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bà vẫn còn nhớ mãi.

“Đại ý, khi ấy Bác nói: Nếu thực dân Pháp có quay lại xâm lược nước ta lần nữa thì chúng ta thề ko hợp tác với Pháp, không đi lính cho Pháp, không tiếp tế cho Pháp. Tôi chỉ nhớ mấy ý đấy, sau đó mọi người giơ tay thề…”, bà Đạm Thư chậm rãi kể lại. Lời thề ấy cũng chính là bước đệm khiến cho người con gái Hà Thành “định hướng cuộc đời” và khát khao về nền độc lập dân tộc sau này. Bởi vậy, sau đó khi đang là học sinh trường Trưng Vương (Hà Nội), bà Thư đã sớm giác ngộ tham gia phong trào học sinh sinh viên kháng chiến, trở thành một trong những học sinh tham gia viết báo “Nhựa sống” – một trong những công cụ đắc lực tuyên truyền tổ chức thanh niên, học sinh có những hoạt động thiết thực, ủng hộ kháng chiến, hướng về cách mạng, về Bác Hồ.

Lần thứ 2 bà Thư được gặp Bác Hồ là thời điểm cách đó không lâu. Bà nhẩm tính, chỉ khoảng vài tuần sau ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình là đến Tết Trung thu. Có thể nói, Tết Trung thu độc lập đầu tiên có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cả nước nói chung và bà Đạm Thư nói riêng. Bà Thư chậm rãi kể lại: “Không khí độc lập đáng phấn khởi lắm, Hà Nội sạch bóng quân thù. Nhắc lại thời khắc đó tôi vẫn cảm thấy xúc động…Đó như 1 sự đổi đời. Lần đầu tiên Tết Trung thu được tổ chức vui vẻ, rộng rãi như thế. Hôm đó, tôi đang ở phố Phan Chu Trinh, mẹ mua cho anh em tôi đèn trung thu và mấy cái bánh dẻo không nhân góp vào để tổ chức”.

Khoảng 21h giờ, rất nhiều thiếu nhi có mặt trước Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ). Bà vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ xuất hiện tươi cười, thân thiết. Khi đó Bác Hồ bước xuống thềm, tiếng hoan hô lại dậy lên “Bác Hồ muôn năm!”, “Muôn năm” rền vang không ngớt.“Bác có giọng trầm ấm, Bác nói gọn thôi, không hề dài dòng nhưng nghe là thấm.

Tôi nhớ mãi lời ân cần dặn dò của Bác: Hôm nay dưới ánh trăng rằm, bác cháu ta vui tết trung thu, ngắm trăng nhưng mai đây là ngày các cháu tựu trường đi học thì phải chăm ngoan, siêng năng học tập để sau này Bác cháu ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu…Bác vừa nói xong, tất cả thiếu niên giơ cao đèn lên, hoan hô, chúc mừng. Hình ảnh rước đèn, múa sư tử đẹp và không khí phấn khởi mãi sau này vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người được chứng kiến”, bà Thư kể lại.

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Lần thứ 3 bà Thư được gặp Bác là vào cuối tháng năm 1964 tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “5 tốt” toàn miền Bắc họp tại Thủ đô. Tất cả đại biểu về dự phần lớn là phụ nữ. Hội trường Ba Đình bữa đó bỗng náo nhiệt hẳn lên khi nghe tin Bác đến.Bác đến vào giữa lúc họp. Thật quá bất ngờ. Tiếng hô “Bác Hồ muôn năm” vang lên bắt đầu từ những hàng thế trên cùng, phút chốc loan đi khắp cả phòng họp rộng lớn.Những lời Bác dạy trong cuộc gặp cũng theo người phụ nữ ấy suốt những năm tháng sau này.

Bà Đạm Thư năm nay đã 85 tuổi những vẫn còn minh mẫn, sức khỏe tốt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Đạm Thư năm nay đã 85 tuổi những vẫn còn minh mẫn, sức khỏe tốt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà nhớ, khi phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: Điều thứ một trong phong trào là đoàn kết, sản xuất và tiết kiệm tốt. Đoàn kết tốt thì việc gì to lớn mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc.

Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư sinh năm 1935 tại Hà Nội. Bà là một trong những người nhiệt tình tham gia phong trào học sinh kháng chiến của nữ sinh trường Đồng Khánh, Trưng Vương (1949-1953). Thời điểm ấy, bà đã đạp xe chuyển sách báo kháng chiến đến nhiều nơi trong Hà Nội, bị bắt giam tại Sở mật thám Pháp sau đó đi du học tại Đại học tổng hợp Sorbonne Paris, Cộng hòa Pháp (1953-1955). Năm 1956 bà về nước học Đại học Sư phạm chuyên ngành hóa, làm giáo viên trường lâm nghiệp, đi dạy và đưa học sinh đi thực tập ở các tỉnh miền núi, rồi chuyển công tác tại Báo Phụ nữ. Sau khi về hưu, bà tiếp tục làm nghiên cứu, viết sách, tư vấn tâm lý và có nhiều hoạt động tình nguyện.

Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: Gia là nhà, Đình là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no, yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, là không tốt.Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như là anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình.

Trong cảm nhận của bà Đạm Thư, Bác Hồ đã đi 5 châu bốn biển, thu thập văn hóa, tinh hoa của thế giới, nên cách Bác cư xử cũng vô cùng tiến bộ. Bác không bao giờ coi thường phụ nữ, trẻ con. Đặc biệt, Bác có tài làm cho không khí sôi động, không có chuyện sùng bái cá nhân, không có tiền hô hậu ủng. Chia sẻ về việc học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà Đạm Thư cho rằng, mọi người cứ nói là học Bác là phải học những điều to tát nhưng không phải, hãy học Bác từ những điều đơn giản nhất.

Học Bác, ngay từ khi còn là học sinh, bà Thư đã có ý thức rèn luyện sức khỏe bản thân, tham gia văn hóa, văn nghệ…Bà cũng tự chuẩn bị 1 quyển sổ nhỏ, mang đi bất cứ đâu, ghi lại những cái mình mới biết. Trong công việc, dù ở vị trí công tác nào bà cũng luôn tận tâm, trách nhiệm. Khi đi ăn hàng, bao giờ bà Thư cũng phải xếp đĩa, xếp rác vào 1 chỗ trước khi đứng dậy để người dọn hàng đỡ mất công.“Tôi thấy may mắn là mình được gặp, được nghe Bác Hồ nói chuyện từ khi còn nhỏ. Bác nói chuyện cũng chính là một cách truyền lửa cho thế hệ chúng tôi sau này. Qua những lần gặp gỡ đó, tôi cảm thấy mình có những bước đi đúng đắn, vững chãi hơn trong cuộc đời”, bà Thư xúc động chia sẻ.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khac-ghi-bai-hoc-sau-nhung-lan-gap-bac-ho-108403.html