Khắc ghi lời Bác: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ
Gần 2/3 thế kỷ đã đi qua, những lời chỉ dạy thiết thực, giản dị, sâu sắc của Bác kính yêu đối với lực lượng vũ trang (LLVT) vẫn mãi trường tồn, vẹn nguyên giá trị, trở thành ngọn đuốc soi đường để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân thực hiện lẽ sống cao đẹp 'Vì nước quên thân, vì dân phục vụ'.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra (đầu tháng 8-2019). Minh Hiếu
Sáng một ngày thu tháng 8, chúng tôi tìm về căn nhà số 310 đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) để gặp lại nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, người vinh dự 3 lần được gặp Hồ Chủ tịch. Đôi mắt bà rưng rưng, tôi cảm nhận được sự xúc động dâng lên trong lòng khi bà kể với tôi về những lần được gặp Bác. Đầu năm 1967, với nhiều thành tích trong chiến đấu, cô dân quân trẻ tuổi làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển được tham gia đoàn chủ tịch tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc và được gặp Bác lần đầu. Đây là lần gặp để lại trong trái tim bà nhiều cung bậc cảm xúc nhất bởi không chỉ được đón Bác dự đại hội, bà còn được ngồi cạnh Bác, được Bác đặt tay lên vai ân cần hỏi thăm sức khỏe, hỏi chuyện gia đình và cả chuyện tình cảm riêng tư. “Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được cảm xúc lúc đó cháu ạ”, bà Tuyển chia sẻ. Sau đại hội, Bác mời các đại biểu đến Văn phòng Chủ tịch nước để gặp mặt. Giữa cuộc gặp, Bác hỏi: “Cháu nào biết hai chớ, hai nên”?. Lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh bà và khuyến khích bà đứng dậy trả lời. “Sau một thoáng hồi hộp, tôi nói to: Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng, hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng. Hồ Chủ tịch cười, hỏi mọi người rằng cháu nào làm được như cháu Tuyển không thì mọi người đồng thanh: Thưa Bác, cháu làm được ạ. Không khí cuộc gặp ấm cúng vô cùng”, bà Tuyển nhớ lại.
“Năm nay đã bước sang tuổi 86, cái tuổi khiến bà đôi lúc lãng đãng quên một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc những lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn vẹn nguyên”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Lữ, nguyên giám thị Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa – người vinh dự 3 lần được gặp Bác. Trong 3 lần gặp ấy, lần để lại cho bà nhiều ấn tượng nhất là lần thứ 3, năm 1961, khi bà đang công tác ở tổ trinh sát thuộc Ty Công an Thanh Hóa. Bà Lữ nhớ lại, tháng 12-1961, được tin Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, tôi đưa con gái đầu lòng Lê Thị Oanh hơn 4 tuổi lên cơ quan từ sớm, rồi nói các đồng chí cảnh vệ cho sang nhà khách Tỉnh ủy để được gặp Bác Hồ. Vừa sang nhà khách Tỉnh ủy thì nhìn thấy Bác. Bé Oanh và một cháu gái nữa lễ phép khoanh tay: “Cháu chào Bác Hồ ạ”. Bác giang tay ôm hai bé vào lòng và dí dỏm đùa vui: “Bác Hồ chào cháu ạ”. Chúng tôi chạy ùa lại, quây quần quanh Bác, Bác ân cần thăm hỏi chúng tôi và nói “Nào Bác cháu ta cùng chụp ảnh”, rồi Bác bế hai cháu bé ngồi hai bên và chúng tôi đứng, ngồi chung quanh để chụp ảnh cùng Bác. Thật hạnh phúc khi cuộc đời bà may mắn được gặp Bác, chụp ảnh với Bác, nghe Bác nói chuyện. Có lẽ cũng vì những điều thiêng liêng ấy mà ngoài nỗ lực của bản thân trong công việc, những người con của bà đều được bà hướng vào công tác trong ngành công an, nối bước mẹ, cống hiến cho ngành, cho quê hương.
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển và nguyên giám thị Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Lữ là hai trong số nhiều người công tác trong LLVT vinh dự được gặp và trò chuyện với Bác. Đó là niềm tự hào lớn lao để bà Tuyển, bà Lữ phấn đấu hết mình, đóng góp công sức, trí tuệ cho ngành, cho quê hương, xứng đáng với sự quan tâm Bác dành cho mình cũng như LLVT. Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với LLVT. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, năm 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại...”. Đến 1959, trong buổi nói chuyện với đoàn đại biểu dự Đại hội thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bác nói: “Công an và quân đội là hai cánh tay đắc lực của Nhà nước chuyên chính vô sản để tiêu diệt kẻ địch...”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, lời chỉ dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam, là định hướng cơ bản để LLVT hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Là một trong những đơn vị đầu tiên trong lực lượng công an cả nước tổ chức triển khai học tập và thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân tại địa danh lịch sử Rừng Thông, Đông Sơn (ngày 19-5-1948) - nơi Bác Hồ lần đầu tiên về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, hơn 70 năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Đảng và 6 điều dạy của Bác kính yêu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bác, Công an tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua. Điểm nhấn là phong trào “Giữ vững thế trận lòng dân” với 3 nội dung “Lắng nghe dân nói, nói để dân hiểu, làm cho dân tin”; “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa vì nhân dân phục vụ”, “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân”... Với quyết tâm tạo ra bước đột phá trong tất cả các mặt công tác, Công an tỉnh cũng đã lựa chọn những nội dung trọng tâm, những khâu khó, những vấn đề nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện trong toàn lực lượng. Nổi bật là việc triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ giữ vững an ninh chính trị, không để xảy ra điểm nóng. Duy trì hiệu quả phong trào “3 xây, 3 chống” trong lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp băng nhóm tội phạm có tổ chức, tín dụng đen, tội phạm kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao. Thực hiện có chiều sâu phong trào “3 tăng, 3 giảm, 3 không” và nhiều đề án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm của tỉnh, phá tan nhiều chuyên án, vụ án lớn... Với mục tiêu xuyên suốt là vì sự yên bình của nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã lặng thầm “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Những điển hình tiên tiến về ý chí kiên cường, về lòng trung thành tuyệt đối, về đức hy sinh, trí thông minh, sự sáng tạo trong công việc ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tấm gương anh Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Mường Lát) hy sinh trong lúc đi vận động, hỗ trợ bà con ở bản Pá Hộc thoát ra khỏi vùng lũ vừa qua là một điển hình đáng khâm phục. Sự ra đi của anh khi tuổi đời còn rất trẻ thật cao cả và đẹp đẽ. Những điển hình đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ công an đẹp trong lòng nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh giúp dân trong mưa lũ.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sự quan tâm, khích lệ, động viên của Bác luôn là nguồn cổ vũ to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội vượt mọi khó khăn, thử thách, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Để phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng và toàn quân luôn là một khối thống nhất về ý chí, hành động, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống, ngành quân đội đã tổ chức cho toàn lực lượng học tập, quyết tâm thực hiện tốt nhất lời dạy của Người gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương phát động. Từ thấm nhuần về nhận thức, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo, lấy làm theo là chủ yếu, bằng hành động, việc làm cụ thể như: Tổ chức các phong trào thi đua “Bám sát cơ sở, nắm vững tình hình, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả”, “Cán bộ, đảng viên miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”, “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”... Cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng tích cực xây dựng và nhân rộng những mô hình hay như “Chi bộ 3 tốt, 3 không gắn với xây dựng nhân cách người cán bộ, đảng viên kiểu mẫu”, “Xây dựng quỹ nghĩa tình hội viên”, “Mỗi ngày học một lời dạy của Bác”. Nếu như trong chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã bất chấp khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc thì ngày nay, trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hình ảnh người chiến sĩ năm xưa lại được tái hiện với những nội dung và hình thức mới: Sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp sức mình cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc người có công... Ví như cơn bão số 3 vừa qua đi, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ LLVT không quản khó khăn, nguy hiểm, dầm mình trong mưa, băng qua dòng nước lũ chảy xiết, đối mặt với bao hiểm nguy để giúp đỡ, ứng cứu người dân khỏi vùng ngập lụt, sạt lở đất đã để lại trong lòng nhân dân nhiều tình cảm, sự tin yêu và mến phục.
Những đóng góp to lớn của LLVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân được các cấp, các ngành ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Để truyền thống vẻ vang mãi được gìn giữ và phát huy, cán bộ, chiến sĩ LLVT trong tỉnh nguyện ra sức thực hiện có hiệu quả lời khen tặng của Bác kính yêu “...Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.