Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 4: Vượt lên số phận

Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực của bản thân, nhiều nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Trị đã biết vượt qua khó khăn, bệnh tật để từng bước xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ có thể là người thợ lái máy xúc, là vận động viên khuyết tật hay là một người mẹ tần tảo buôn bán sớm hôm để vun vén cho gia đình và đứa con thơ. So với người bình thường, những nạn nhân chất độc da cam mà chúng tôi có dịp tiếp xúc dưới đây đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để có được như ngày hôm nay.

*** Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 3: Chung tay vì nạn nhân da cam

** Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 2: Ký ức và nỗi đau da cam

* Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 1: Tiếp tục lan truyền thông điệp “Đoàn kết - Trách nhiệm - Nghĩa tình” vì nạn nhân chất độc da cam

“Không để hoàn cảnh làm nhụt ý chí phấn đấu”

Nếu không được giới thiệu trước rằng anh Lê Văn Trung (sinh năm 1977), thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bị khuyết tật bẩm sinh ở chân trái, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết công việc khá nặng nhọc anh đang làm là lái máy xúc công trình. Bố anh từng là du kích, mẹ là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, khi mới sinh ra, Trung đã không được lành lặn như đứa trẻ bình thường. Học hết lớp 6, do sức khỏe yếu, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Trung nghỉ học.

 Anh Lê Văn Trung mua sắm được máy xúc để nhận thi công các công trình - Ảnh: T.T

Anh Lê Văn Trung mua sắm được máy xúc để nhận thi công các công trình - Ảnh: T.T

Vốn đam mê, hứng thú với các loại máy móc như máy ủi, máy cày…, đến năm 1998, anh Trung quyết định theo học bằng lái máy xúc, dù với anh không hề dễ dàng gì. Khi đã có nghề, ba mẹ anh cầm cố mảnh đất hương hỏa, vay mượn được một số vốn để anh Trung đầu tư mua xe công nông, máy xay xát lúa và máy cày để làm dịch vụ. Chăm chỉ làm ăn, chỉ vài năm sau, khoản vay ngân hàng đã được anh Trung trả hết. Năm 2007, anh tiếp tục vay thêm 300 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được để mua máy xúc, máy ủi, xe vận chuyển máy xúc.

Đến nay, giàn máy móc của anh không chỉ hoạt động hiệu quả ở Quảng Trị mà còn được nhiều người ở các tỉnh khác thuê làm công trình, mang lại nguồn thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 400 triệu đồng. “So với nhiều nạn nhân da cam khác, tôi may mắn hơn nhiều. Tôi nghĩ, mình bị khuyết tật ở chân nhưng trí óc lành lặn thì không có lý gì để hoàn cảnh làm nhụt ý chí phấn đấu. Nghĩ vậy nên tôi luôn nỗ lực làm kinh tế, vừa có điều kiện lo cho gia đình, vừa giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam”, anh Trung chia sẻ.

Ngoài tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, anh Trung còn tự nguyện đem máy móc sửa chữa đường giao thông nông thôn, ủng hộ vật chất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào khuyến học, khuyến tài của xã.

“Thể thao cho em nhiều mơ ước”

Lê Thị Trường An (sinh năm 1999), ở Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong tuy nói năng không lanh lợi, phản ứng chậm, nhưng em biết diễn đạt suy nghĩ của mình, hiểu và trả lời tốt những câu hỏi của người khác. Bà Phan Thị Thắm, mẹ An sinh được 4 người con, mỗi An là bị khiếm khuyết. “Ngày sinh cháu, gần một tuổi vẫn không thấy có sự phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, đầu, thân hình, chân tay mềm oặt, tôi lo lắm. Lên ba, bốn tuổi rồi mà cháu vẫn chậm nói, chậm đi, chúng tôi đem con đi chạy chữa khắp nơi, cho đến một ngày bác sĩ kết luận cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. May mắn là càng lớn sức khỏe của cháu càng được cải thiện, đi lại bình thường”, bà Thắm nhớ lại.

 Ngoài năng khiếu thể thao, niềm đam mê của Trường An là học vẽ tranh - Ảnh: T.T

Ngoài năng khiếu thể thao, niềm đam mê của Trường An là học vẽ tranh - Ảnh: T.T

Năm An 14 tuổi, các cô chú ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong gợi ý gia đình cho cháu tập luyện để tham gia hội thao người khuyết tật. Ban đầu, An làm quen với môn đẩy tạ, sau đó nhận thấy em có thể chất tốt, các huấn luyện viên hướng tập luyện thêm cho em môn điền kinh. Từ những rụt rè, bỡ ngỡ ban đầu khi phải tiếp xúc với nhiều người lạ, dần dà, những buổi tham gia tập luyện đã làm em trở nên hào hứng. “Tập với các cô chú huấn luyện viên chưa đủ, hằng ngày cháu dặn mẹ gọi dậy sớm để chạy bộ rèn luyện thêm. Thấy con nghiêm túc với việc tập luyện, tôi cũng thấy vui vì cháu có ý thức, trách nhiệm với việc của mình”, bà Thắm kể.

Đến nay, Trường An đã giành được 2 huy chương bạc, một huy chương đồng cho các môn đẩy tạ, điền kinh trong các giải thể thao người khuyết tật cấp huyện, cấp tỉnh. Những đợt tham gia tập luyện để đi thi đấu, nhiều lúc An rất đuối, nhức mỏi tay chân, sút cân vì áp lực, nhưng chưa bao giờ em bỏ cuộc. Có lần tham gia giải thể thao người khuyết tật cấp tỉnh môn điền kinh, do tâm lý không tốt nên chỉ sau khi xuất phát một đoạn, An chạy nhầm sang làn khác. Kết quả dù về đích sớm nhưng em không được tính thành tích, chỉ được ban tổ chức tặng một bó hoa động viên. Nhưng em rất phấn khởi vì có phần thưởng mang về tặng mẹ. “Từ khi đến với thể thao, sức khỏe em tốt hơn, được gặp nhiều người hơn và có nhiều ước mơ hơn”, An chia sẻ.

Lấp đầy khiếm khuyết cơ thể bằng tình yêu

Cách nhau 10 tuổi, nhưng kỳ lạ là cả hai chị em Lê Thị Hoa (sinh năm 1984), Lê Thị Nhơn (sinh năm 1974), ở thôn Kim Đâu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ đều bị dị tật cơ thể như nhau, sinh ra không có chân tay lành lặn, không phát triển về chiều cao, may mắn là trí óc bình thường. Dù vậy, chị em Hoa đều có niềm lạc quan vui sống, chăm chỉ lao động để có thu nhập tự nuôi bản thân mình, không trở thành gánh nặng của gia đình. Bằng lòng với số phận không may mắn, chưa bao giờ họ nghĩ đến chuyện có ai đó yêu thương để gắn bó với cuộc đời mình.

“Ngay cả trong giấc mơ mình cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy chồng và sinh con. Với mình, gia đình riêng là điều gì đó rất xa vời”, Hoa chia sẻ. Thế nhưng, như một sự kỳ diệu của cuộc đời, Hoa đã có một gia đình hạnh phúc, sinh cô con gái khỏe mạnh, nay đã học lớp 1. Kể lại câu chuyện tình yêu như cổ tích của mình, Hoa bộc bạch: “Mình và anh Lai quen nhau 8 năm rồi mới quyết định về ở với nhau. Ban đầu, hai bên gia đình phản đối lắm, ba mẹ mình cứ sợ con bị lừa tình cảm, vì anh Lai là người bình thường, khỏe mạnh, lại chưa lập gia đình và nhỏ hơn mình đến 3 tuổi, ai mà nghĩ là anh ấy yêu một cô gái khuyết tật nặng như mình”.

 Chị Lê Thị Hoa luôn quan tâm việc học của con gái - Ảnh: T.T

Chị Lê Thị Hoa luôn quan tâm việc học của con gái - Ảnh: T.T

Mới đây, từ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật, Bảo vệ quyền trẻ em Quảng Trị cộng với số tiền tích cóp, vay mượn, hai vợ chồng chị Hoa đã xây một ngôi nhà nhỏ để ở. “Khi mình làm đơn vay vốn để làm nhà, không ai dám chứng nhận để cho vay vì nhìn hoàn cảnh thực tế, họ sợ mình không có khả năng trả nợ. May mắn là có chú trưởng thôn đứng ra cam kết bảo lãnh vì chú tin dù là người khuyết tật nhưng mình chăm chỉ làm ăn, có khả năng trả nợ ngân hàng. Mình rất biết ơn vì điều đó”, chị Hoa cho biết.

Ngoài gian hàng tạp hóa, chị Hoa còn tận dụng kênh bán hàng online qua trang facebook cá nhân để mở rộng khách hàng. Khi được hỏi có nguyện vọng gì không, Hoa nói mong muốn có vốn để mở rộng việc kinh doanh, nhưng có lẽ việc vay vốn với người khuyết tật vẫn còn quá khó.

Những người không may mắn mà chúng tôi gặp trên đã và đang dệt nên câu chuyện ý nghĩa cho cuộc đời mình. Dù cuộc đời không ban tặng cho họ một cơ thể lành lặn, bình thường nhưng lại cho họ một nghị lực sống phi thường để làm được những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời. Những con người ấy đáng trân quý biết bao.

Thanh Trúc - Hoài Hương -Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156329&title=khac-phuc-hau-qua-chat-doc-da-cam-o-quang-tri-hanh-trinh-khong-ngung-nghi-bai-4-vuot-len-so-phan