Khắc phục khó khăn chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đến nay, huyện Mường La mới có 450/3.288 người mở tài khoản để nhận trợ cấp qua thẻ ngân hàng, đạt 13,6%. Huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động các đối tượng mở tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp, góp phần đảm bảo chi trả đúng đối tượng, ngăn chặn tình trạng trục lợi an sinh xã hội.

Chị Quàng Thị Luân là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu Lò Công Kỳ (đối tượng khuyết tật được hưởng trợ cấp), bản Nà Nong, thị trấn Ít Ong, cho biết: Tôi được cán bộ lao động - thương binh thị trấn hướng dẫn làm các thủ tục để đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền. Tiền trợ cấp được trả qua tài khoản nhanh chóng, đúng ngày; tôi rút tiền tại cây ATM mỗi khi cần sử dụng.

Thị trấn Ít Ong là địa bàn trung tâm của huyện nên thuận lợi hơn trong chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Ông Cà Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, thông tin: Hiện nay, Thị trấn có 239 người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt, chúng tôi đã tới từng gia đình các đối tượng thụ hưởng để tuyên truyền, vận động mở tài khoản ngân hàng nhận trợ cấp. Đến nay, có 133 đối tượng mở tài khoản để nhận trợ cấp, đạt 55,6%.

Các đoàn thể thị trấn Ít Ong phối hợp với Agribank Mường La vận động đối tượng được hưởng trợ cấp mở tài khoản ngân hàng.

Các đoàn thể thị trấn Ít Ong phối hợp với Agribank Mường La vận động đối tượng được hưởng trợ cấp mở tài khoản ngân hàng.

Tại các xã khác trên địa bàn huyện, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn hơn. Trong đó, xã Chiềng Lao có 435 đối tượng hưởng trợ cấp (cao nhất huyện) nhưng mới chỉ có 1 đối tượng mở tài khoản; xã Pi Toong có 344 đối tượng, chỉ có 2 người mở tài khoản; các xã Nậm Giôn, Chiềng Hoa, Chiềng Ân, Chiềng Công chưa có đối tượng mở tài khoản.

Anh Cứ A Dơ, bản Nong Hoi Dưới, xã Chiềng Ân, nhận trợ cấp cho hai con không may bị khuyết tật nặng bẩm sinh. Anh Dơ chia sẻ:Trước đây, tôi cầm sổ ra nhà văn hóa bản Lạng Xua để nhận tiền cho hai cháu. Bây giờ phải xuống huyện để ra ngân hàng mở tài khoản. Do nhà cách xa trung tâm huyện lại cần nhiều giấy tờ, thủ tục, nên hiện nay, tôi vẫn chưa mở được tài khoản ngân hàng.

Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích, như: Tiền hỗ trợ được chuyển đến người nhận nhanh chóng, đúng ngày quy định, đảm bảo an toàn, minh bạch, rõ ràng, mọi giao dịch đều được kiểm soát bằng hệ thống điện tử, công tác kiểm tra, xác minh dễ dàng. Điều này rất quan trọng khi đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thường xuyên biến động, nhất là người cao tuổi, người bị bệnh nặng; tránh được những rủi ro thất thoát ngân sách của Nhà nước hoặc trục lợi chính sách.

Bà Lò Thị Ngọc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hầu hết các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, nên gặp khó khăn trong việc sử dụng thiết bị di động để làm công cụ giao dịch. Hơn nữa, một số đối tượng cần thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền; có đối tượng không có người ủy quyền. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để giao dịch, mua bán; người thụ hưởng chế độ còn phải bỏ các chi phí liên quan đến mở thẻ, duy trì thẻ và phí rút tiền tại các điểm rút tiền của ngân hàng, nên không được hưởng đủ như nhận chi trả bằng tiền mặt...

Cán bộ Agribank Mường La hướng dẫn nhân dân sử dụng dịch vụ SmartBanking trên điện thoại di động.

Cán bộ Agribank Mường La hướng dẫn nhân dân sử dụng dịch vụ SmartBanking trên điện thoại di động.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, thông tin: Phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng đạt 30%, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp vớiAgribank Mường La tăng cường tư vấn, tuyên truyền đến các đối tượng tại các bản, tiểu khu, giúp người dân hiểu về lợi ích lâu dài của việc chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt. Triển khai chi trả qua tài khoản đối với các chế độ mai táng phí, hỗ trợ đột xuất…

Cùng với đó, huyện giao chỉ tiêu đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản cho các xã, thị trấn. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, cập nhật thông tin, khảo sát, phân loại các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người giám hộ, người ủy quyền mong muốn được nhận trợ cấp qua tài khoản hay tiền mặt. Đồng thời, yêu cầu hệ thống ngân hàng cam kết miễn phí mở tài khoản, miễn phí quản lý tài khoản năm đầu; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển sang sử dụng tài khoản để thanh toán. Đối với các trường hợp già yếu không có khả năng tiếp cận dịch vụ, muốn ủy quyền cho người thân đại diện hợp pháp, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ tư pháp hướng dẫn trình tự, thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Agribank Mường La hướng dẫn nhân dân các bước mở tài khoản ngân hàng.

Agribank Mường La hướng dẫn nhân dân các bước mở tài khoản ngân hàng.

Với những giải pháp đang được triển khai, tin rằng nhân dân và đối tượng được chi trả an sinh xã hội sẽ nhận thức đúng về lợi ích mang lại, đồng thuận trong quá trình chuyển đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang chi trả không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/khac-phuc-kho-khan-chi-tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-G5jk8qEIg.html