Khắc phục tồn tại, tạo 'luồng xanh' cho việc lưu thông hàng hóa

Hiện nhiều tỉnh thành quy định người từ vùng dịch về địa phương phải cách ly và xét nghiệm 3 lần. Do đó lái xe vẫn phải cách ly dù có xét nghiệm âm tính dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa tại các tỉnh thành phía Nam.

Tạo "luồng xanh" cho phương tiện lưu thông chở hàng hóa, nông sản an toàn trong thời gian các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Tại buổi họp trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải với 19 tỉnh thành phía Nam về công tác vận tải, phòng chống dịch COVID-19 vào chiêù13/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, từ ngày 8/7 đến nay, đơn vị đã tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tạo thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Đặc biệt tạo "luồng xanh" cho phương tiện lưu thông trong thời gian TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Hướng dẫn thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Ngoài ra Tổng cục cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với các Sở GTVT bố trí tháo dỡ dải phân cách, lắp đặt biển báo, hoàn trả bê tông nhựa để quay đầu xe nên hạn chế việc ùn tắc giao thông tại các Chốt kiểm soát trên Quốc lộ 22 (Tây Ninh), Quốc lộ 1 (Long An), Quốc lộ 1K (Đồng Nai).

Theo Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 12/7 đã cấp Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh cho 17.980 xe/20.311 xe đăng ký cho 25 đơn vị. Đã có 6 địa phương đã đăng ký với Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh để cấp giấy gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang và An Giang.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai "luồng xanh" cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập như thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 của các địa phương chưa thống nhất với nhau.

Nhiều tỉnh thành quy định người từ vùng dịch về địa phương phải cách ly và xét nghiệm 3 lần. Do đó nếu lái xe muốn qua chốt để dỡ hàng hóa xuống thì phải cách ly dù có xét nghiệm dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa...”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ chỉ rõ.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, hiện cần xem xét thêm quy định thời hạn đối với giấy xét nghiệm COVID-19 vì thời gian cho lái xe hoàn thành 1 chuyến xe, nếu chỉ chạy trong nội tỉnh và lân cận thì 3 ngày phù hợp.

Nhưng nếu phạm vi từ Nam ra Bắc thì tối thiểu 7 ngày, kể cả thời gian giao nhận hàng, điều đó dẫn đến sự lúng túng cho đội ngũ lái xe khi giấy xét nghiệm bị quá hạn.

Bên cạnh đó, mã QR Code chưa thể hiện được lộ trình cụ thể đi từ đâu đến đâu dẫn đến việc đi qua trạm nào cũng bị dừng lại kiểm tra gây mất thời gian và gia tăng sự tiếp xúc. Sau khi đi qua vùng có dịch, việc cách ly đối với lái xe từ 7, 14, 21 ngày thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ thiếu lái xe.

Vì vậy Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị có thể bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm tại trạm dừng nghỉ được xác định tại cửa ngõ của các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lái xe. Điều đó cũng tránh cho việc xảy ra ùn ứ tại các chốt kiểm dịch.

Địa phương hoặc đơn vị vận tải sắp xếp nơi ở tập trung cho anh em lái xe, ưu tiên ngay tại các bãi đậu, đỗ để thuận tiện trong kiểm soát và hạn chế lái xe tiếp xúc khi trở về địa phương từ vùng dịch. Đồng thời doanh nghiệp vận tải phải chủ động xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe theo đúng quy định để bảo đảm bảo điều kiện tham gia hoạt động vận tải.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khac-phuc-ton-tai-tao-luong-xanh-cho-viec-luu-thong-hang-hoa-post144326.html