Khách hàng cần làm gì khi bị 'găm' sổ đỏ?
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề đúng quy định pháp luật, chính thái độ thiện chí và hợp tác từ cả hai phía sẽ giúp doanh nghiệp giữ được thiện cảm của cộng đồng.
Thời gian qua, nhiều trường hợp khách hàng mua dự án, đất nền… vì nhiều lý do mà chủ đầu tư chưa thể bàn giao sổ đỏ cho người mua. Vậy trong trường hợp này, khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Một số trường hợp tranh chấp xảy ra trên thực tế như người mua đất dự án Khu Dân cư Thị trấn Trảng Bom - Gold Hill do Công ty Long Kim Phát làm chủ đầu tư (CĐT), phản ánh về việc công ty này chậm sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, hoặc Công ty TNHH Đất Lành sau 7 năm vẫn chưa giao sổ hồng chung cư Thái An 3 và 4 (quận 12, TP HCM) khiến người dân bức xúc.
Theo các chuyên gia BĐS, trong mối quan hệ giữa CĐT và khách hàng tất cả đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, ngoài vấn đề pháp lý thì điều đầu tiên CĐT cần làm là thương lượng với khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua.
Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều dự án bị ách tắc sổ đỏ đã gây căng thẳng cho các bên. Bên cạnh việc giải quyết vấn đề đúng quy định pháp luật, chính sự cư xử ôn hòa, thái độ thiện chí và hợp tác từ cả hai phía sẽ giúp doanh nghiệp giữ được thiện cảm của cộng đồng, đồng thời hạn chế được các thiệt hại cho cả hai bên.
Tuy nhiên, khi sự việc đi quá xa thì hành động pháp lý là cần thiết để bảo vệ các chủ thể có trong hợp đồng. Trong đó, biện pháp khởi kiện hoặc chấm dứt hợp đồng cần được tính đến.
Theo Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM, Hợp đồng mua bán Nhà ở hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa CĐT và khách hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan như Bộ Luật dân sự (Luật chung), Luật kinh doanh BĐS, Luật đất đai, Luật Nhà ở (Luật chuyên ngành)...
Trường hợp một trong các bên vi phạm nghĩa vụ của mình, chẳng hạn như khách hàng vi phạm nghĩa vụ không thanh toán đúng hạn, không nhận bàn giao sản phẩm mà không do lỗi của CĐT ... hay CĐT vi phạm nghĩa vụ của mình như không/chậm bàn giao sản phẩm hoặc giấy tờ sở hữu theo tiến độ cam kết... thì các bên căn cứ theo Hợp đồng đã ký để giải quyết.
Quá trình phát sinh tranh chấp, hai bên có thể thương lượng, hòa giải cho nhau thêm một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nhận sản phẩm... (đối với khách hàng) hoặc thực hiện nghĩa vụ khắc phục các khiếm khuyết của sản phẩm hoặc hoàn tất các thủ tục pháp lý để bàn giao ản phẩm cũng như Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng....
Tuy nhiên, trường hợp khách hàng và/hoặc CĐT cố tình vì nhiều lý do chưa giải quyết sự việc thì các bên buộc phải nhờ Pháp luật giải quyết. Trường hợp bên bị vi phạm có quyền Khởi kiện dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, căn cứ theo Hợp đồng đã ký, bên bị vi phạm có thể yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm phải chịu các mức phạt, bồi thường thiệt hại (nếu có) do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/khach-hang-can-lam-gi-khi-bi-gam-so-do-868983.html