Khách hàng, tài xế thiệt thòi, bức xúc khi Grab tăng giá cước và mức chiết khấu

Sau một thời gian xuất hiện, những ứng dụng gọi xe đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Việt. Tuy nhiên, sau khi đã có thị phần ổn định, Grab thực hiện việc tăng giá cước và mức chiết khấu khiến nhiều khách hàng, tài xế không khỏi bất ngờ, bức xúc.

Sau khi đã có thị phần ổn định tại Việt Nam, Grab thực hiện việc tăng giá cước và mức chiết khấu nhiều khách hàng, tài xế không khỏi bất ngờ, bức xúc. Ảnh minh họa

Vừa qua, Grab đã điều chỉnh tăng giá cước khiến nhiều người dùng không bất ngờ. Chị Thanh Mai (trú tại quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) là một “khách hàng ruột” của GrabBike cho biết, với mức cước phí cũ, trên quãng đường từ nhà đến nơi làm việc áng chừng 5km chị thường phải trả khoảng 35.000 - 37.000 đồng. Nhưng giờ đây với mức giá mới số tiền là trên 40.000 đồng.

Theo chị Mai, chị thường sử dụng Grab vì sự tiện lợi cũng như thói quen nhưng với cách tính giá mới, người dùng sẽ là những người bị thiệt đầu tiên. Nếu quãng đường dài hơn, số tiền phải trả đội lên sẽ nhiều hơn, chưa kể đến giờ cao điểm mức phí còn cao lên nhiều và chị sẽ cân nhắc việc sử dụng loại hình phương tiện khác để di chuyển.

Grab đã phát đi thông báo sẽ tăng giá cước tối thiểu từ ngày 5/12. Trong đó, tại Hà Nội giá cước tối thiểu của Grab tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự GrabCar 7 chỗ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai giá cước tối thiểu của GrabCar tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Không chỉ điều chỉnh tăng giá cước, Grab cũng tiến hành tăng tỷ lệ khấu trừ trên doanh thu cuốc xe khiến nhiều tài xế vô cùng bức xúc khi đã phải chịu rất nhiều chi phí nay lại tiếp tục bị trừ tiền. Đồng thời khẳng định số tiền thu về của họ bị giảm đáng kể vì chính sách mới này.

Đứng đón khách ở cổng ra bến xe Mỹ Đình, tài xế GrabBike Lê Việt Anh (quê ở Lào Cai) buồn rầu chia sẻ, cực chẳng đã mới phải làm cái nghề xe ôm này. Cách đây mấy năm chạy còn nhiều khách, bình thường cứ mở ứng dụng từ 6h - 11 giờ sáng là đã chạy được 5 - 6 cuốc xe. Nhưng hiện làm ăn khó khăn, đến 10 giờ sáng nay anh mới có được khách đầu tiên.

Hiện số lượng lái xe ôm công nghệ ngày càng nhiều do công việc này không đòi hỏi những yêu cầu quá khắt khe và có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi, vì vậy sự cạnh tranh giữa các tài xế cũng là rất lớn. Trước thông tin mức chiết khấu tăng thêm, anh Việt Anh cho biết, một cuốc xe ôm chỉ vài chục nghìn, trừ các khoản chi phí, khấu hao phương tiện, tiền sửa chữa…, lái xe còn lại chẳng được bao nhiêu và thu nhập chắc chắn sẽ còn giảm nhiều trong thời gian tới.

Ngày đầu có mặt tại Việt Nam, Grab đã thực hiện nhiều khuyến mại lớn như tặng chuyến cho khách hàng, thưởng chuyến cho lái xe thậm chí có những chuyến xe “0 đồng”,... để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng bây giờ khi đã có thị phần lớn, Grab đang tìm cách để tận thu với những tài xế, khách hàng đã ủng hộ họ trong những ngày đầu tiên.

Còn bác Toàn (quê Thái Bình) là một lái xe Grab được gần 4 năm trên Hà Nội nói với giọng buồn bã, nếu không vì kiếm miếng cơm manh áo cũng chẳng ai tha thiết với cái nghề xe ôm suốt ngày “phơi mặt” ở ngoài đường bất kể nắng mưa thế này. Nếu chẳng may có bị tai nạn giao thông cũng chỉ có thể gọi cho gia đình mình đến chứ cũng chẳng mong nhận được sự hỗ trợ gì từ phía Công ty Grab.

Đã vất vả lại còn nguy hiểm, không ít những vụ việc lái xe ôm truyền thống cũng như công nghệ bị giết và cướp xe. Đã có tuổi nên bác Toàn không dám nhận những cuốc xe muộn và xa mà chỉ tìm đến những cuốc ngắn. Nhưng chính vì sự lựa chọn an toàn với những cuốc xe ngắn mà bác lại là người nằm trong đối tượng chịu thiệt nhất với chính sách tăng cước và tăng chiết khấu thuế VAT của Grab. Bình thường thu nhập của tôi đã thấp rồi, giờ chắc chắn sẽ còn giảm thêm.

Công nghệ, tiềm lực và mức giá cạnh tranh giúp Grab vươn lên nhanh chóng, trở thành hãng gọi xe công nghệ có thị phần lớn nhất Việt Nam chỉ sau khoảng 6 năm kinh doanh. Đặc biệt lâu nay Grab không nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe và được hưởng sách thuế VAT chỉ 3% trong gần 4 năm qua để từ đó có được dịch vụ với giá rẻ.

Nhưng khi bị áp mức thuế VAT mới 10%, khiến khách hàng và tài xế đều khó khăn, Grab vẫn giữ nguyên mức hoa hồng mà mình được hưởng. Mức thuế mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của tài xế và tác động đến lựa chọn của khách hàng.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khach-hang-tai-xe-thiet-thoi-buc-xuc-khi-grab-tang-gia-cuoc-va-muc-chiet-khau-post108499.html