Khách thuê villa rồi bày bẩn không dọn, ai sai?

Gần đây, sự việc một nhóm khách thuê căn villa ở Đà Nẵng nhưng bày bừa, mất vệ sinh khi trả phòng đã gây chú ý trên mạng xã hội.

Gần đây, sự việc một nhóm khách thuê căn villa ở Đà Nẵng nhưng bày bừa, mất vệ sinh khi trả phòng đã gây chú ý trên mạng xã hội.

Dịch vụ thuê căn hộ, villa hay homestay làm điểm nghỉ dưỡng không còn xa lạ. Đa phần, khi thuê, khách sẽ phải trả thêm một khoản tiền, gọi là phí vệ sinh. Sau khi trả phòng, họ không cần dọn mà sẽ có người làm hộ. Điều này phát sinh nhiều vấn đề khi một số khách bày bừa, mất vệ sinh quá mức vì ỷ đã có người dọn hộ. Dưới đây là quan điểm của một số chủ villa và khách hàng về vấn đề này.

Nguyễn Linh ChiChủ Dallas Villa & Hotel (phường 11, Đà Lạt, Lâm Đồng)

Kinh doanh villa và khách sạn 5 năm, tôi cũng gặp những tình huống thế này rồi. Thường các vụ bày bẩn chỉ xảy ra ở villa vì khách thuê nguyên căn, nhậu nhẹt. Có lần, khách còn đốt rèm villa và nôn mửa khắp nhà. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ xử lý ngay tại villa vì có quy định các khoản phạt ngay từ lúc bàn giao nhà.

Cá nhân tôi không thích chuyện "bóc phốt" khách hàng. Chỉ cần hai bên xử lý thỏa đáng, đền bù thiệt hại là được. Nếu đôi co với khách, bên villa sẽ chịu thiệt nhiều hơn chứ khách họ đến rồi đi cũng không ảnh hưởng nhiều. Phải quá đáng lắm, tôi mới nghĩ đến chuyện "phốt" ai đó. Còn nếu khách hàng chấp nhận quy định bồi thường, tôi nghĩ nên mềm mỏng, giữ cho cả khách lẫn villa mình.

Dĩ nhiên, có những vị khách nghĩ đã trả tiền rồi thì làm gì cũng được. Tôi nghĩ nó cũng đúng vì đó là do ý thức mỗi người. Có những khách lịch sự, trả nhà y nguyên lúc bàn giao. Tuy nhiên, có những khách không muốn dọn, yêu cầu người dọn dẹp từ đâu, tôi cũng sẵn lòng. Với ai vô ý thức, không nhắc nhở được, tôi sẽ thu phí phạt.

Mô hình thuê villa cũng rộ lên khoảng 3-4 năm gần đây nên có thể nhiều người chưa để ý lắm. Tôi nghĩ vị khách nào cũng nên có ý thức dọn dẹp gọn một chút ở villa trước khi rời đi. Như vậy, đôi bên đều vui vẻ.

Lê Thị Thu Thủy (An An)Sáng lập và quản lý hệ thống Anbooking Villa

Câu chuyện khách nghỉ dưỡng tại villa bày bừa không dọn dẹp, không chịu thanh toán phí vệ sinh là vấn đề đau đầu với những người làm dịch vụ như chúng tôi. Ai chắc cũng gặp nhiều lần rồi, chỉ là chưa nói ra.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực vận hành và cho thuê villa, homestay nghỉ dưỡng quanh Hà Nội hơn 3 năm qua, tôi nhận thấy xu hướng khách hàng đi nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Họ cũng quen với việc chi trả một khoản tiền thù lao cho quản gia để hỗ trợ phục vụ, dọn dẹp, rửa bát... Đa phần khách hàng đều là những người văn minh, thân thiện và lịch sự.

Tuy nhiên, bản thân tôi đã gặp phải không ít trường hợp khách rất "kém duyên". Họ bày bừa, nôn mửa, không dọn dẹp và cũng không chịu thanh toán khoản phí hỗ trợ cho quản gia.

Vốn dĩ, nghề quản gia đã rất khó khăn, vất vả và chịu nhiều áp lực. Họ là những người tiếp đón và hỗ trợ tối đa các yêu cầu của khách tại villa. Vào mùa cao điểm, lượng khách vào, ra liên tục. Sau khi đoàn trước trả phòng, quản gia phải chuẩn bị dọn dẹp với cường độ rất cao để kịp đón đoàn tiếp theo.

Để giảm thiểu rủi ro khách không chi trả phí vệ sinh hay bày bừa, một số căn đã đưa phí vệ sinh bắt buộc vào kèm cùng với giá thuê. Khoản phí này sẽ chi trả cho quản gia. Cũng không ít trường hợp khách nghĩ đã trả mức phí dọn dẹp vệ sinh này là được bày bừa thoải mái. Họ không nghĩ tới những người quản gia khổ sở thế nào.

Vì thế, tôi mong mỗi khách hàng đến trải nghiệm nghỉ dưỡng hãy là một du khách văn minh, ý thức, gọn gàng, sạch sẽ và để lại dấu ấn đẹp đẽ những nơi đặt chân đến.

Thanh MaiChủ homestay Miahome (Quốc Oai, Hà Nội)

Tôi kinh doanh mô hình villa nghỉ dưỡng từ tháng 5/2020. Rất may, trong quá trình kinh doanh, tôi vẫn chưa gặp khách nào ở bẩn hay phá hoại quá mức. Có chăng, lần nghiêm trọng nhất cũng chỉ là bị trẻ con vẽ lên tường nhà.

Lần đó, tôi gọi cho trưởng đoàn và nói họ rút kinh nghiệm vì vẽ bút bi khó tẩy. Vì trẻ con gây ra nên tôi cũng không phạt. Hay lần khác, khách đổ rượu vang ra ghế sofa. Tôi không kịp giặt khô trước khi đoàn khách mới vào nên phải lấy tạm vải khác bọc vào.

Tôi nghĩ ý thức mỗi du khách khác nhau, không phải ai cũng kiểu "mua mâm đâm cho thủng". Nhà tôi có quy định về tiền dịch vụ hoặc thuê rửa bát với khách từ đầu. Còn với những khách ở bẩn, quản gia sẽ nhắc nhở họ về các khoản phạt. Ví dụ làm rơi thức ăn xuống bể bơi phạt 500.000 đồng, nôn trong phòng phạt 100.000-500.000 đồng.

Dĩ nhiên, người kinh doanh villa, homestay như tôi đều thích những khách sạch sẽ. Chỉ cần họ dọn qua phần rác đã sử dụng, các bác dọn dẹp cũng rất vui rồi.

Kim HươngCựu du học sinh Anh

Tôi may mắn được du lịch ở nhiều quốc gia và chứng kiến những trường hợp tương tự khách thuê villa, homestay tại Việt Nam. Một số lần, chủ homestay phải xin lỗi và phiền chúng tôi chờ thêm vì cần thời gian dọn phòng khách trước bày quá bẩn.

Ý thức sử dụng dịch vụ ở nước ngoài hay Việt Nam cũng có những điểm giống nhau. Quan trọng nhất, tôi nghĩ mỗi villa, homestay nên quy định rõ ràng, thảo luận kỹ với khách hàng trước khi đặt để thuận mua vừa bán.

Cá nhân tôi không ủng hộ quan điểm đã trả tiền dịch vụ thì có thể bày bừa tùy ý. Bên mua có chỗ để ở, bên bán có thêm thu nhập. Như vậy, hai phía đều có lợi chứ không ai nợ ai điều gì. Không có chuyện một bên trả tiền rồi thiếu ý thức giữ gìn. Theo tôi, villa nên bán dịch vụ và sự ân cần, còn khách hàng nên chi trả bằng tiền và ý thức.

Về chuyện "bóc phốt" khách trên mạng, tôi hiểu riêng ngành dịch vụ nhiều lúc cũng gặp phải những vị "thượng đế" khó chiều. Tôi nghĩ trước khi quyết định "phốt" hay không, người làm dịch vụ nên ưu tiên hướng giải quyết riêng với khách hàng của mình trước.

Lan tỏa sự việc trên mạng xã hội cũng là cách để cộng đồng những người làm ngành dịch vụ hay người sử dụng dịch vụ có thêm thông tin và bài học. Tuy nhiên, tôi nghĩ bài đăng nên mang sắc thái tích cực, nhắc nhở, trên tinh thần tìm cách xử lý chung cho cả hai phía.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-thue-villa-roi-bay-ban-khong-don-ai-sai-post1309444.html