Khai giảng muộn nhưng không thiếu quyết tâm

Đến sáng 11-9, trường mầm non Tân Hóa, trường tiểu học Tân Hóa và trường THCS Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình mới chính thức bước vào năm học mới với những lễ khai giảng giản dị, xúc động sau những ngày mưa lũ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã về dự lễ khai giảng muộn và thăm hỏi, động viên thầy và trò các trường.

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Quảng Bình, đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất đối với ngành giáo dục địa phương. Cụ thể có trên 380 phòng học, 15 phòng nhà nội trú bị ngập nước, hư hỏng; 2 phòng học, nhà thư viện bị tốc mái; 1 nhà bán trú học sinh bị sạt lở, hư hỏng nặng; trên 500 bộ bàn ghế bị ngập nước, hư hỏng; nhiều công trình vệ sinh, hàng rào, nhà xe, hệ thống điện nước... bị sập và hư hỏng; phần lớn sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, bàn ghế của học sinh vùng ngập sâu bị ướt, hư hỏng hoàn toàn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

Tân Hóa là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình, năm nào nơi đây cũng hứng chịu những thiệt hại do mưa lũ. Đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, Tân Hóa là một trong những vùng ngập sâu nhất và chịu thiệt hại nặng nề nhất của khu vực miền Trung. Trong ngày 5-9, khi cả nước tổ chức lễ khai giảng năm học mới, Tân Hóa và nhiều vùng khác ở miền Trung vẫn ngập sâu trong nước. Ngay sau khi nước lũ rút, lễ khai giảng muộn đã được tổ chức ở hàng nghìn trường học thuộc miền Trung và lễ khai giảng của 3 trường học ở xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình là những lễ khai giảng muộn cuối cùng của học sinh cả nước. Giữa khoảng sân trường còn vương bùn đất sau một mùa lũ được coi là lớn nhất từ nhiều năm qua, 215 học sinh và 23 giáo viên trường THCS Tân Hóa hân hoan đón ngày khai trường. Vẫn còn đó những khó khăn và âu lo nhưng như chia sẻ của thầy giáo Hoàng Ngọc Anh trong lễ khai giảng, thầy và trò nhà trường sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học mới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Xúc động tới dự lễ khai giảng muộn với thầy và trò trường THCS Tân Hóa, sau khi đánh hồi trống khai trường, người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đi đến từng khối lớp trò chuyện với học sinh. Thăm hỏi học sinh về tình hình mưa lũ những ngày qua và những chuẩn bị của các em cho năm học mới, Bộ trưởng gửi gắm mong mỏi các em học sinh sẽ vượt qua khó khăn để sẵn sàng bước vào năm học mới với niềm vui, chăm ngoan và tiến bộ hơn nữa.

Tại trường tiểu học Tân Hóa, Bộ trưởng dành thời gian nói chuyện với học sinh khối lớp 1, trước sự hân hoan nhưng cũng còn nhiều bỡ ngỡ của các em, Bộ trưởng mong các em sớm quen với môi trường học tập mới, để mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui.

Trao đổi với một số giáo viên trường tiểu học Tân Hóa, Bộ trưởng lưu ý, năm học 2019-2020 là năm học quan trọng đối với bậc tiểu học để chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ sang năm, vì vậy, mong các thầy cô sẽ dành thời gian, tâm huyết, chuẩn bị sẵn sàng bước vào đổi mới.

Chia sẻ khó khăn với thầy cô giáo 3 trường học thuộc vùng lũ Tân Hóa, đồng thời biểu dương sự nỗ lực của nhà trường trong việc nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định việc giảng dạy và học tập, Bộ trưởng tin tưởng, dù khai giảng muộn hơn so với các trường khác trong cả nước, song các trường học ở Tân Hóa sẽ không chậm hơn về chất lượng dạy và học.

Nhân dịp này, Bộ trưởng đã trao số tiền 400 triệu đồng ủng hộ lũ lụt cho ngành giáo dục Quảng Bình; trao tặng 20 bộ máy tính cho trường tiểu học Tân Hóa, trường THCS Tân Hóa; 1.000 hộp sữa, một bộ đồ nấu bếp cho trường mầm non Tân Hóa và nhiều đồ dùng gia dụng cho cán bộ giáo viên các trường với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng.

Ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), đầu năm học này hơn 70 học sinh của điểm trường Khu Son – Sa Ná (trường tiểu học Na Mèo) phải học tạm trong những phòng lắp ghép bằng sắt, thép lợp mái tôn. Trước kia, các em được học trong ngôi trường kiên cố tại bản Son. Thế nhưng, trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8 đã phá tan tành những phòng học kiên cố ấy, khiến học sinh không còn phòng học.

Vì vậy, UBND huyện Quan Sơn phải dựng khẩn cấp 4 phòng học lắp ghép để làm nơi học tạm cho các em tại bản Sa Ná. Từ bản Son trở ra bản Sa Ná với cung đường chừng hơn 3km, nhưng học sinh lại phải lội qua con suối Son – nơi từng xảy ra dòng lũ lịch sử cuốn đi hàng chục nóc nhà và khiến hàng chục người dân ở bản Sa Ná bị chết và mất tích. Dù là nơi học tạm, các phòng học được trang bị đầy đủ điện sáng, quạt mát, bàn ghế mới. Học sinh được cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập tươm tất, nên cả thầy lẫn trò rất phấn khởi, quyết tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn để dạy thật tốt, học thật tốt.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường nằm trong vùng lũ thuộc huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế phải hoãn khai giảng. Ðể chuẩn bị cho lễ khai giảng, trước đó, các trường học đã huy động giáo viên, nhân viên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ để sớm đón học sinh trở lại trường.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. Các địa phương cũng tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, khắc phục điều kiện khó khăn để ổn định nền nếp năm học với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, dạy chữ, dạy người.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khai-giang-muon-nhung-khong-thieu-quyet-tam-162294.html