Khai hội đền Kim Liên và đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Sáng 16-4, Quận ủy, HĐND, UBND quận Đống Đa long trọng tổ chức lễ khai hội truyền thống và đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt 'Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên'.

Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

 Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên cho lãnh đạo quận Đống Đa.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên cho lãnh đạo quận Đống Đa.

"Thăng Long tứ trấn" hay "Tứ trấn Thăng Long" là cụm từ để chỉ bốn di tích tiêu biểu, trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long, là các đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Trấn Vũ.

Với vai trò này, suốt hơn một nghìn năm, các di tích thuộc "Thăng Long tứ trấn", trong đó có đền Kim Liên, luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

Sự tồn tại của "Thăng Long tứ trấn" là lời gợi nhắc, dấu ấn ghi tạc về sự thịnh trị của kinh thành Thăng Long xưa và bảo vệ, che chở cho Hà Nội ngày nay, góp phần làm nên sự đa dạng, giàu có cho tài nguyên di sản văn hóa trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Lịch sử còn ghi, đền Kim Liên được khởi dựng từ thời nhà Lý, tại làng Kim Hoa (nay là làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), để thờ thần Cao Sơn Đại Vương - vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống.

Tương truyền, thần Cao Sơn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Do có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh, nên rất được đề cao trong hệ thống thần thoại về buổi đầu dựng nước của dân tộc. Đến đầu thời Lê Trung Hưng, thần tiếp tục phù giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, giành lại ngai vàng.

Để tỏ lòng cảm tạ, vua cho dựng lại đền thờ thần khang trang, to đẹp hơn. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Kim Liên đến giờ vẫn được bảo tồn nguyên trạng, với nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn từ thời Lê Trung Hưng.

Tại đền còn lưu giữ nhiều di vật, như: 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn; tấm bia đá "Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh" năm 1510..., đều là những bảo vật quý hiếm, không chỉ có giá trị chứa đựng cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích nói riêng, lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khoa học quý giá về thư pháp, ngôn ngữ học, mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào 16 tháng Ba âm lịch, để người dân và khách thập phương tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn tới thần Cao Sơn đã che chở, ban phúc lộc cho người dân. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, đền Kim Liên cùng với các di tích thuộc "Thăng Long tứ trấn" đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 93/QĐ-KGVX ngày 18-1-2022).

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định nhấn mạnh, cùng với các di tích thuộc "Thăng Long tứ trấn", đền Kim Liên và sự tích về thần Cao Sơn Đại Vương là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm đấu tranh, lao động bền bỉ, để chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cha ông ta vào buổi đầu định đô, mở nước; góp phần cung cấp nhiều thông tin giá trị về phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân và quy mô của kinh đô Thăng Long xưa.

Việc cụm di tích "Thăng Long tứ trấn", trong đó có đền Kim Liên, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào của mỗi người dân Hà Nội nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, những nỗ lực không ngừng để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của di tích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, thời gian tới thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; khai thác, phát huy tiềm năng về du lịch của các di tích, lễ hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của chuyên đề "Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể đối với các di tích, trước hết là đối với các di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa và đền Kim Liên; thu thập dữ liệu, bước đầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội Đống Đa và lễ hội đền Kim Liên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1029595/khai-hoi-den-kim-lien-va-don-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet