Khai mạc Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Long An, Thái Bình, Sóc Trăng, Bình Dương, Đắk Lắk, Phú Yên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Thuận

Sáng 14-10, Đảng bộ TP Hải Phòng tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có các đồng chí: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phan Diễn, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư cùng 350 đại biểu đại diện cho gần 125 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.

Sáng 14-10, Đảng bộ TP Hải Phòng tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có các đồng chí: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phan Diễn, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư cùng 350 đại biểu đại diện cho gần 125 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hải Phòng không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tích quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt mức mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân 5 năm tăng 14,02%, gấp hai lần giai đoạn 2010 - 2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, gấp gần hai lần so với năm 2015; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 408 nghìn tỷ đồng. Cơ chế, chính sách đặc thù đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 4% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích trên mọi lĩnh vực của Hải Phòng và khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố. Hải Phòng đã khẳng định được vị thế là thành phố cảng quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của khu vực phía bắc. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, hạn chế trên các lĩnh vực và những vấn đề mà Hải Phòng cần quan tâm nghiên cứu, đề ra giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục hiệu quả trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ TP Hải Phòng trong nhiệm kỳ tới và đề nghị đại hội tập trung thảo luận kỹ, hoàn thiện Nghị quyết Đại hội để xây dựng, phát triển TP Hải Phòng trong giai đoạn tới theo đúng định hướng mà Nghị quyết số 45-NQ/T.Ư, ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã xác định. Đồng chí tin tưởng với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, đại hội sẽ dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực và uy tín để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 16.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Sáng 14-10, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ cùng 345 đại biểu đại diện hơn 56 nghìn đảng viên của toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, tỉnh Tuyên Quang cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, nâng cao chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt dự toán được giao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tích cực, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được đổi mới. Năng lực chỉ đạo, điều hành và quản lý của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ...

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía bắc, đại hội cần thảo luận kỹ những mặt còn hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục hiệu quả; đồng thời đề ra phương hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồng chí đề nghị tỉnh Tuyên Quang cần chủ động đổi mới tích cực hơn, với các giải pháp đồng bộ, bước đi thích hợp, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công nghệ thông tin. Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tập trung phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản, tạo giá trị hàng hóa cao. Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đại hội tiếp tục làm việc và kết thúc vào ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Long An tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ dự. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và 350 đại biểu đại diện hơn 48 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10. Tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt mức 18 trong số 20 chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 9,11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 93 trong số 161 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới và TP Tân An hoàn thành chương trình nông thôn mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương được triển khai kịp thời, nghiêm túc.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Trần Cẩm Tú biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời đề nghị đại hội cần tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, yếu kém như: Một số chỉ tiêu chưa đạt. Kinh tế tăng trưởng chưa thật bền vững, chưa có bước đột phá. Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh… Trên cơ sở đó, đại hội thống nhất chủ trương, giải pháp thiết thực, khả thi để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu “Long An giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trước năm 2030”.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 16-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Tổng sản phẩm GRDP bình quân ước tăng 9%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2020 ước đạt hơn tám nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2019, Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước hai năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Tòng Thị Phóng biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình phấn đấu đạt được thời gian qua. Về nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chú trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tỉnh cần phát triển theo hướng mới, bền vững, hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất và thân thiện với môi trường. Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đảng bộ tỉnh cần quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó với nhân dân. Chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và 346 đại biểu đại diện cho các đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh.

Nhiệm kỳ qua, tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được nâng lên. Tỉnh thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gắn với thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 3%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm hơn 4%/năm. Đến nay, tỉnh có hai đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng; chăm lo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có tư duy đổi mới, đủ năng lực, và bản lĩnh lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ... Tỉnh cần linh hoạt, bám sát và tôn trọng thực tiễn trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch đề ra ở mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Lãnh đạo toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, không dàn trải, không chạy theo thành tích; chú trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục phát huy mặt mạnh, mặt tốt, đồng thời khắc phục kịp thời mặt hạn chế, ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... Đồng chí nhấn mạnh, Sóc Trăng cần chú trọng huy động các nguồn lực nội tại, kết hợp với nguồn lực bên ngoài làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để nhanh chóng đưa Sóc Trăng vươn lên mạnh mẽ. Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, nhằm tăng sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo xã hội.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Sáng 14-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 349 đại biểu chính thức đại diện hơn 48.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bình Dương phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả toàn diện. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt bình quân 9,35%/năm; cơ cấu kinh tế năm 2020 với công nghiệp và dịch vụ chiếm 89,31%; thu ngân sách tăng 11,2%/năm; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiệm kỳ đạt 11,51 tỷ USD, nâng vốn FDI tại 3.865 dự án với tổng vốn gần 35 tỷ USD… Năm 2017, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn của T.Ư, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tạo nhiều chuyển biến tích cực; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đạt được, tỉnh phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện, trở thành điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Đồng chí đề nghị, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển những ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từng bước hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao. Nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo cần được chú trọng, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người khó khăn, yếu thế trong xã hội... Các cấp ủy cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng công tác dân vận xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Đại hội tiếp tục diễn ra đến ngày 15-10.

* Sáng 14-10, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, các Anh hùng Lao động cùng 349 đại biểu đại diện hơn 80.800 đảng viên toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, vượt lên những khó khăn, thách thức, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 19%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 4,99%. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực...

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Phạm Bình Minh biểu dương những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh cần nhận diện rõ những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, khai thác hiệu quả, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không để phát triển nhanh các ngành có ưu thế. Tiếp tục chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Phú Yên tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng 318 đại biểu chính thức đại diện cho gần 44 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt mức 14 trong số 18 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra. Nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,9 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 ước còn khoảng 2,5%, giảm bình quân 2%/năm. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện quyết liệt, nhất là chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng cường, góp phần nâng cao trình độ và từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đạt được trong 5 năm qua. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; triển khai toàn diện, đồng bộ và thường xuyên các giải pháp nhằm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh. Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể bài bản, khoa học; đầu tư phát triển một cách có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng làm tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch trên các lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đà bứt phá. Cùng đó, tỉnh cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Tích cực triển khai các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Phú Yên thành khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, có sức chiến đấu cao.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 16-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 349 đại biểu đại diện cho hơn 40 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư với nhiều cách làm sáng tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh thực hiện hoàn thành 18 nhóm chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 13 đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng, năm 2020 ước đạt 1.250 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 37 trong tổng số 115 xã đã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 32,2%); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48,14% năm 2016 xuống còn 30,67% năm 2020; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới, nhất là ở thôn, bản chưa có đảng viên, đạt nhiều kết quả tốt...

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Đại tướng Tô Lâm biểu dương kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Điện Biên đã đạt được; đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển tỉnh Điện Biên, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo bứt phá, đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đồng chí lưu ý, Điện Biên phải chú trọng thực hiện công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025; thực hiện tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển rừng sản xuất và các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công gắn với thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, trọng tâm là xây dựng TP Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, tạo động lực phát triển và lan tỏa mạnh đến các đô thị khác trong tỉnh, trong vùng Tây Bắc.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có các đồng chí: Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và một số địa phương; nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng 348 đại biểu đại diện gần 70 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đề ra đều hoàn thành đạt và vượt mức. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,1%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt hơn 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên; trong đó tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Kết quả thực hiện các Nghị quyết của T.Ư về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt cao…

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong nhiệm kỳ qua. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh cần khai thác mọi nguồn lực để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên kết vùng, liên tỉnh, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Tích cực giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh, công việc được nhân dân quan tâm. Tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến rõ nét trong tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, các đồng chí lão thành cách mạng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ và 350 đại biểu đại diện hơn 87 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.

Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 15 chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 14%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc với 124 xã đạt chuẩn (chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh), ba trong số chín huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước kế hoạch. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 3,5%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được duy trì nền nếp, giải quyết kịp thời các tố cáo, khiếu nại. Phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm …

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đạt được. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm phát triển đồng bộ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó công nghiệp được xác định là động lực, nông nghiệp là nền tảng bảo đảm sự ổn định. Cùng với đó, tỉnh cần chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh. Chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đến các xã, huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, uy tín, xem đây là nhiệm vụ then chốt của toàn Đảng bộ.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.

* Ngày 14-10, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ cùng 349 đại biểu đại diện cho gần 38 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,64%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 2.856 USD, gấp 1,53 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh có 65 trong số 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ngày càng nâng cao...

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Lương Cường biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh cần tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là về vị trí địa lý, khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Về công tác xây dựng Đảng, Bình Thuận tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 16-10.

* Sau ba ngày làm việc, ngày 14-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bế mạc, kết thúc thành công.

Ðại hội thống nhất mục tiêu, đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; tầm nhìn năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Để đạt mục tiêu đề ra, đại hội thống nhất tập trung thực hiện bốn chương trình kinh tế - xã hội, phát triển ba vùng động lực, kinh tế biển là nhiệm vụ ưu tiên chiến lược. Song song đó, thực hiện các nhiệm vụ có tính đột phá: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tỉnh; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để tăng thu hút đầu tư xã hội; tập trung phát triển khu vực Bắc Vân Phong, tạo động lực phát triển mới; đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 50 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên T.Ư Đảng tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020 - 2025.

* Ngày 14-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14 bế mạc, thành công. Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021 - 2025 đạt từ 6,5 đến 7%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP đạt từ 77 đến 80 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 45 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 1%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt hơn 80%, công nhận thêm một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đại hội đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp; trong đó nhóm các giải pháp đột phá là: Xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Mở rộng quy hoạch phát triển công nghiệp, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông nhằm kết nối tốt với các địa phương, tiểu vùng, vùng, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết, trục phát triển. Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, quy mô khả thi, nhất là các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là sớm hoàn thành và vận hành chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số. Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 50 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 10 đồng chí. Đồng chí Lê Tiến Châu tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-mac-dai-hoi-dang-bo-cac-tinh-thanh-pho-hai-phong-tuyen-quang-long-an-thai-binh-soc-trang-binh-duong-dak-lak-phu-yen-dien-bien-vinh-phuc-bac-giang-binh-thuan-620432/