Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19

Ngày 23-9, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Ngày 23-9, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Lãnh đạo Quân khu 2; các đồng chí lão thành cách mạng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; 325 đại biểu chính thức đại diện cho gần 58 nghìn đảng viên của toàn Đảng bộ.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2015- 2020 do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trình bày tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả quan trọng. Xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, là điểm sáng của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chủ động khắc phục nhanh chóng, kịp thời hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Đa dạng hóa, huy động nguồn lực hơn 50 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước. Hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành hai cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh, quốc lộ, đường đô thị, bê-tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê-tông hóa; hoàn thành 11/18 dự án trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, qua đó lựa chọn, đào tạo bài bản 150 cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ kế cận dồi dào, chất lượng cho các nhiệm kỳ tiếp theo…

 Các đại biểu biểu quyết thông qua tại Đại hội.

Các đại biểu biểu quyết thông qua tại Đại hội.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời nhấn mạnh: tại Đại hội này, cùng với đánh giá, xem xét tác động của tình hình trong nước và quốc tế đối với Yên Bái, cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh nhà, trên cơ sở đó thảo luận sâu sắc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp với thực tế, phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu: Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025; nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc vào năm 2030. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng tỉnh nhà theo hướng: "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Góp phần nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi phía bắc. Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, coi đây là vấn đề sống còn đối với mỗi người dân và quá trình phát triển của tỉnh. Tập trung phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phải quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh. Cần nhận thức đầy đủ rằng, nhiệm vụ này là một trong những nội dung bảo đảm cho Yên Bái "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; đồng thời, góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.

Gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an ninh dân tộc, tôn giáo, nông thôn, an ninh mạng...; trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, dân chủ, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung làm tốt công tác tư tưởng chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu. Tiếp tục xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, chiến lược, lâu dài. Một nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19 và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Trần Quốc Vượng mong muốn, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, Đại hội sẽ dân chủ, sáng suốt lựa chọn được các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ tỉnh để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa tới và tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiếp tục làm việc và kết thúc vào ngày 24-9.

THANH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khai-mac-dai-hoi-dang-bo-tinh-yen-bai-lan-thu-19-617765/