Khai mạc hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố phía Nam

Ngày 11/10, tại thành phố Phú Quốc, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức 'Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024', nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và 9 tháng năm 2024, đề ra giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024. Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực phía Nam tham dự hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước của các sở, ngành ở địa phương. Qua đó, đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại, nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo đó, 9 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2023, có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%) là Trà Vinh, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre. Đến hết tháng 9/2024, toàn khu vực có 186 cụm công nghiệp, tổng diện tích 8.498 ha; trong đó, 111 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73.809 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.

Tiếp đến, hoạt động thương mại 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.442 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực ước đạt 108,4 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao như: Tây Ninh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Phước, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương… Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,41 tỷ USD, tăng 10,66% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng năm 2024, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với sự linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp trong cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường… nên hoạt động công thương được duy trì và phát triển.

Năm 2024, ngành công thương các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Các tỉnh, thành phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn khu vực phấn đấu đạt trên 9,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực tăng 10,24% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt hơn 274 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu 147,586 tỷ USD, nhập khẩu 126,459 tỷ USD.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

3 tháng cuối năm 2024, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.

Mặt khác, khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản… góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm.

Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp chế biến… nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Trên lĩnh vực thương mại, các sở, ngành ở địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Cùng đó, chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa…

Ngoài ra, phối hợp thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử. Các địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời quan tâm khai thác tối đa tiềm năng thị trường trong nước…

Bài, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khai-mac-hoi-nghi-nganh-cong-thuong-cac-tinh-thanh-pho-phia-nam-20241011120100513.htm