Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến
Sáng 20/10, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến.
Trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan trung ương...
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự tại điểm cầu tỉnh, thành phố.
Tham dự phiên khai mạc tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh; Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Sau nghi thức chào cờ, mở đầu phiên làm việc, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm hơn 21 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong vì dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian qua.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.
Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của các tổ và Đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ tổ chức thành 2 đợt theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Quốc hội cũng sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát các vấn đề quan trọng, công tác phòng, chống dịch Covid - 19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế trong nước được duy trì mức trung bình 5,64%, tuy nhiên, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, số ca lây nhiễm, tử vong tăng cao, tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân, làm quá tải hệ thống y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Với chủ trương nhất quán không đánh đổi sức khỏe và tính mạng của nhân dân lấy tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành và áp dụng hết sức nghiêm túc và quyết liệt.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6% đến 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%... Chính phủ cũng đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid -19.
Dự kiến đợt họp trực tuyến sẽ kéo dài từ hôm nay tới ngày 30/10 trước khi họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội từ ngày 8/11 đến 13/11.