Khai phá động lực tăng trưởng từ tầng lớp trung lưu

Gần đây, nhiều nghiên cứu tập trung vào nhận định sự gia tăng của tầng lớp trung lưu (TLTL) tại Việt Nam đang tạo thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Từ đó, cần có các chính sách phát triển phù hợp để tận dụng nguồn lực này.

Nhận diện động lực tăng trưởng mới

Báo cáo “Đông Á phục hưng: Điều hướng trong một thế giới đang thay đổi” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi giữa năm 2018 cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trong khu vực (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philipines) có TLTL gia tăng mạnh mẽ và có những bước tiến lớn cả về kinh tế lẫn các lĩnh vực khác.

Cũng theo WB, trong giai đoạn 2010 -2016, TLTL tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,7% dân số năm 2010 lên 13,3% năm 2016. Theo cơ quan này, tính từ năm 2014 - 2016, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập vào TLTL. Như vậy, nếu lấy mức tăng bình quân này thì tạm tính đến năm 2018, TLTL của nước ta chiếm khoảng 16,3% dân số cả nước.

Tiêu dùng cuối cùng là nhân tố chính kích thích tăng trưởng trong những năm gần đây

Tiêu dùng cuối cùng là nhân tố chính kích thích tăng trưởng trong những năm gần đây

Đồng tình với kết quả nghiên cứu này, mới đây Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đã bổ sung nhận định, khả năng quay trở lại nhóm nghèo của nhóm dân số thuộc TLTL tại Việt Nam chỉ là 0%, trong khi nhóm cận dưới của tầng lớp này là khoảng 0,5%. Điều đó cũng là minh chứng cho thấy khi đã gia nhập vào TLTL thì khả năng bị tụt lại xuống tầng lớp dưới là khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng mà nước ta đã đạt được trong thời gian qua.

Chia sẻ nhận định về những đóng góp của TLTL đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc NCIF cho biết, khi TLTL ở Việt Nam gia tăng nhanh và quy mô ngày càng được mở rộng, mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn, kéo theo sự gia tăng tổng mức chi tiêu trong toàn xã hội và kết quả là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thực tế cho thấy, không phải đến nay vai trò của tiêu dùng trong nước, mà hạt nhân là TLTL, mới được nhắc đến như một động lực của tăng trưởng dài hạn. Những báo cáo trong 3 năm gần đây về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê đều nhấn mạnh rằng tăng trưởng GDP có đóng góp rất lớn của tiêu dùng dân cư. Theo đó, những người trẻ tuổi thuộc TLTL với nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng theo thu nhập, lại được hỗ trợ của dịch vụ tài chính hiện đại, đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Nhìn vào bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2019, có thể thấy tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018, đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Tổng cục Thống kê nhận xét, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khuyến mại góp phần làm sôi động thị trường trong những tháng đầu năm 2019.

Số liệu nghiên cứu được WB công bố gần đây cũng cho thấy, chi cho tiêu dùng của hộ gia đình trong giai đoạn từ 2014 - 2018 và dự báo đến 2021 đóng vai trò ngày một quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vì nó chiếm tỷ trọng cao nhất so với các yếu tố cơ bản có đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Nhiều cơ hội phát triển chờ khai phá

Sự gia tăng TLTL đang tạo ra vô số cơ hội cho phát triển kinh tế. WB dự báo, từ nay đến năm 2030, TLTL ở nước ta có xu hướng ngày càng tăng nhanh; đến năm 2035 sẽ có một nửa dân số Việt Nam thuộc TLTL.

TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cơ hội phát triển của Việt Nam với sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của TLTL là rất tốt trong giai đoạn 10 năm tới. Theo đó, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, TLTL hiện chiếm khoảng 50%; dự báo trong 10 năm tới đây sẽ là con số chung của cả nước.

Tuy nhiên ông Thành lưu ý, với nền kinh tế đã chuyển sang thu nhập trung bình dù còn ở mức thấp, thì cùng với sự hình thành của TLTL phải rất quan tâm tới tiêu dùng dân cư và coi đây là động lực để tăng trưởng. Đồng thời từ góc độ đầu tư, với nền kinh tế mở như Việt Nam, đây cũng là cơ hội để kinh doanh với rất nhiều lĩnh vực.

Đơn cử như sự phát triển rất nhanh chóng của ngành hàng không trong thời gian vừa qua. Không khó để thấy động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh của ngành này đến từ rất nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nhờ nhu cầu của TLTL trẻ, của những người lớn tuổi có thu nhập cao, xã hội ngày càng già hóa thì tầng lớp này càng đông đảo. “Bầu trời người tiêu dùng rất rộng trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Cho nên không phải ngẫu nhiên người ta đánh giá các ngành có liên quan tới tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội phát triển như bán lẻ, dược phẩm, du lịch…”, ông Thành nói. Như vậy, cùng với thúc đẩy tiêu dùng, nhiều lĩnh vực đầu tư mới sẽ được mở rộng và trở thành những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, sự gia tăng nhanh chóng của TLTL cũng là điều kiện để Việt Nam hình thành nên động lực tăng trưởng mới, tái cơ cấu nền kinh tế và bớt phụ thuộc hơn vào nhu cầu thị trường bên ngoài. Bởi hiện nay xuất khẩu đang là một trong những động lực tăng trưởng chủ chốt của Việt Nam.

Theo đó, sự gia tăng của TLTL không chỉ kéo theo cầu tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, mà còn cho thấy mức tiết kiệm của tầng lớp này cũng ngày càng tăng. Điều này không chỉ góp phần quan trọng phản ánh đầu ra và đầu vào của nền kinh tế được thông suốt hơn, mà còn phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng được cải thiện hơn, nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu nhờ sức mạnh nội tại của nền kinh tế được củng cố. Từ đó sẽ hạn chế tối đa được những tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là những biến động, suy thoái tiềm ẩn từ các thị trường xuất khẩu.

Dưới góc độ đầu tư, đầu tư tư nhân cũng là một cấu thành quan trọng cho phát triển. Vì vậy, khi TLTL gia tăng có nghĩa là mức tiết kiệm của họ cũng ngày càng tăng. Đây là nguồn vốn lớn có thể huy động cho đầu tư phát triển nói chung nếu các cơ quan, tổ chức có những chính sách huy động hợp lý nguồn tài chính nhàn rỗi này từ TLTL.

Với những ý nghĩa đó, để kích thích TLTL phát triển và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế và thi hành các chính sách khuyến khích phát triển khu vực tư nhân. Quy mô vốn của đầu tư khu vực tư nhân có thể tăng nhanh do sự tập trung ưu tiên về mặt chính sách trong trung hạn khi Chính phủ xác định khu vực tư nhân là một động lực tăng trưởng mới.

Ngoài ra, TLTL ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo môi trường bình đẳng và minh bạch trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, TLTL cũng sẽ có những nhu cầu và đòi hỏi nhiều hơn, do đó Nhà nước phải cải cách và có những chính sách hợp lý, nhằm tạo cơ hội thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của họ.

Khanh Đoàn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khai-pha-dong-luc-tang-truong-tu-tang-lop-trung-luu-90384.html