Khai phá nhánh mới trên thị trường sách truyện

Tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) là xu hướng sáng tác được ưa chuộng trên thế giới. Song tại Việt Nam đây vẫn là mảnh đất trống còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Sức hút từ sự khác biệt

Nhìn sang một số nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… loại hình truyện tranh (comic book), tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) đang phát triển không ngừng, đóng góp vào hệ sinh thái đọc và đem lại nguồn lợi lớn cho nền công nghiệp văn hóa của quốc gia. Đáng chú ý, thể loại truyện tranh, tiểu thuyết hình ảnh không chỉ dành cho đối tượng độc giả chủ yếu là thiếu nhi mà rất nhiều độc giả lớn tuổi cũng tìm đọc. Ở những nước có nền truyện tranh phát triển, mỗi độc giả đều có thể tìm cho mình một tác giả, một bộ sách đáp ứng thị hiếu riêng.

Các họa sĩ Việt Nam đang mở rộng hướng sáng tác, góp phần hình thành một nhánh khác trên thị trường sách Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Goethe.de

Các họa sĩ Việt Nam đang mở rộng hướng sáng tác, góp phần hình thành một nhánh khác trên thị trường sách Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Goethe.de

Theo nghiên cứu, nhân vật trong truyện tranh phần lớn là những nhân vật kỳ ảo, được tác giả xây dựng lên và giao cho một nhiệm vụ nào đó trong truyện của mình. Độc giả trên thế giới hầu như đã biết đến những truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản như: Doraemon, Conan… là những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện tranh được đông đảo công chúng tiếp nhận. Truyện tranh có nhiều thể loại: hài hước, trinh thám, phiêu lưu… với hệ thống nhân vật đáp ứng câu chuyện đó.

Nhiều người nghĩ graphic novel cũng là một dạng truyện tranh nhưng thực chất thể loại này có sự phát triển cao hơn về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện. Nếu như truyện tranh được thể hiện dưới dạng ngôn từ và hình ảnh, từ hình ảnh sẽ biểu thị những đoạn hội thoại dưới dạng bảng thì truyện đồ họa không chạy theo tranh và tranh cũng không nhằm minh họa cho truyện. Thể loại này mang hơi hướng tiểu thuyết và đòi hỏi một sự hòa quyện ăn ý, tương hỗ trong sáng tác câu chuyện và hình ảnh, giúp tác phẩm không chỉ sinh động, bắt mắt mà còn phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của cả truyện và tranh. Với graphic novel, độc giả có thể bắt gặp những khung tranh phủ kín trang giấy như một nội dung của câu chuyện thay cho việc phải dùng ngôn ngữ để mô tả, hoặc nghệ thuật chữ (typography) sẽ được tận dụng làm tăng hiệu ứng thị giác, câu chuyện thêm phần hấp dẫn…

Thực tế nhiều năm ở Việt Nam, truyện tranh chưa được đón nhận nồng nhiệt vì một số quan điểm e ngại nó vốn chỉ dành cho trẻ em. Trong khi đó, khái niệm graphic novel chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm. Việc mang hơi hướng tiểu thuyết dễ gây hiểu lầm rằng thể loại này đa phần dành cho người lớn với những cảnh nóng bỏng, bạo lực, tình huống lắt léo… Chưa kể, có người còn nhìn nhận truyện tranh, tiểu thuyết hình ảnh tối giản ngôn ngữ khiến trí tưởng tượng của người đọc không phát huy được. Điều đó khiến cho thể loại truyện tranh, tiểu thuyết hình ảnh bị xếp sau các loại hình sách truyện, sách nói, phim ảnh… Cho đến nay, quan điểm này dần được “giải oan" khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính tiểu thuyết hình ảnh làm tăng hứng thú với việc đọc sách hơn. Thực tế, ngày càng nhiều tác giả, nhà xuất bản nỗ lực mang đến thị trường sách truyện những ấn phẩm đa dạng thể loại, có chất lượng và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của độc giả, nhất là độc giả trẻ.

Tác phẩm "Cuốc xe tuổi trẻ" là thành quả của workshop khám phá thể loại graphic novel

Tác phẩm "Cuốc xe tuổi trẻ" là thành quả của workshop khám phá thể loại graphic novel

Điền vào khoảng trống

Những năm qua, mảnh đất truyện tranh đã được nhiều họa sĩ Việt khai phá và gặt hái thành công bước đầu. Có thể kể đến một số bộ truyện như: Thần đồng đất Việt (Lê Linh), Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân), Tý Quậy (Đào Hải), Cuộc phiêu lưu của Dế Út (Linh Rab), Long thần tướng (nhóm tác giả Phong Dương comic)… Trong khi đó, mảng graphic novel cũng bắt đầu nhen nhóm, phát triển ở Việt Nam. Tác phẩm graphic novel “made in Việt Nam” đầu tiên phải kể đến ba tác phẩm Cô bé ganh tị (Nguyên Hương - Phương Thảo), Phía sau cánh cửa (Ngọc Linh - Phạm Ngọc Tân), Hạ về trên đồi cỏ lau hồng (Vương Thùy Linh - Hoàng Phương Thúy) của NXB Kim Đồng, ra mắt độc giả năm 2018. Đây là kết quả của quá trình các nhà văn, họa sĩ tham gia Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch phối hợp sáng tác sau nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm.

Gần đây nhất, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ra mắt ấn phẩm Cuốc xe tuổi trẻ, là hành trình đầy sôi nổi và say mê của 12 họa sĩ trẻ đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với 12 truyện ngắn bằng tranh sinh động, giàu sáng tạo. Để có được thành quả này, 12 tác giả đã tham gia một workshop truyện tranh do Viện Pháp và Viện Goethe tại Việt Nam tổ chức cuối năm 2022. Dưới sự dẫn dắt của hai họa sĩ giàu kinh nghiệm là Nicolas Sauge (Pháp) và Robert Deutsch (Đức), các họa sĩ Việt Nam đã mở rộng hướng sáng tác, góp phần hình thành một nhánh khác trên thị trường sách Việt Nam trong tương lai.

Họa sĩ Thu Ngân (bút danh Anh Phan) chia sẻ, công việc trước nay của mình là họa sĩ vẽ minh họa. Trải nghiệm với vai trò họa sĩ vẽ truyện tranh giúp cô khám phá khả năng sáng tạo và có góc nhìn mới về thể loại graphic novel vốn còn rất mới mẻ ở Việt Nam hiện nay. Còn với họa sĩ Nguyễn Thế Linh (bút danh LinhRab), góp mặt trong Cuốc xe tuổi trẻ, đây là lần đầu tiên anh thể nghiệm vẽ truyện tranh dành cho tuổi trưởng thành. Điều thú vị mà Nguyễn Thế Linh nhận thấy ở graphic novel là tính văn chương đậm nét cũng như chiều sâu tâm lý được khắc họa rõ hơn trong tác phẩm. Ở đó, phần vẽ thiên về nghệ thuật hơn, cách chọn vấn đề gai góc hơn, đòi hỏi nghệ sĩ đầu tư nhiều hơn.

“So với vẽ minh họa, truyện tranh yêu cầu cao hơn, còn so với truyện tranh, graphic novel lại yêu cầu cao hơn nữa về kỹ thuật và cách thức kể truyện. Đây là thách thức đối với người sáng tác song cũng mở ra nhiều cơ hội để họa sĩ phát triển, đến gần với xu hướng của người đọc, trong bối cảnh thể loại này đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Có lẽ, các họa sĩ Việt Nam phải cập nhật hơn nữa, đào xới mảnh đất sáng tạo, để cho ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu độc giả. Đó là hướng phát triển cá nhân nhưng đồng thời cũng là cách đóng góp vào sự phát triển của thể loại truyện tranh ở Việt Nam”, họa sĩ Nguyễn Thế Linh nhìn nhận.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/khai-pha-nhanh-moi-tren-thi-truong-sach-truyen-i346322/