Khai thác tiềm năng, thế mạnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững

PHÍ CÔNG HOANPhó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

LCĐT - Với phương châm lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 4 chương trình, 13 đề án và 5 kế hoạch trọng tâm để triển khai lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 5 năm thực hiện, huyện Văn Bàn đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, 25/25 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao; kinh tế của huyện tăng trưởng khá so với bình quân chung của tỉnh. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%/ năm; GRDP đạt 78 triệu đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn (người đội mũ) kiểm tra công tác phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn (người đội mũ) kiểm tra công tác phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Kết thúc năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp ước đạt 2.400 tỷ đồng (tăng 155,8% so với năm 2015); cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng trồng trọt; liên kết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật được đẩy mạnh. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 66.000 tấn (bằng 111,9% so với mục tiêu đại hội); giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác tăng từ 48 triệu đồng (năm 2015) lên 83 triệu đồng (năm 2020), đạt 123,8% mục tiêu đại hội. Diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt; trồng mới 6.411 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng là 64,8%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện hiệu quả, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. 100% thôn, bản đã có đường bê tông từ trung tâm xã đến thôn; 100% thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng luôn có tốc độ tăng trưởng khá. Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.799 tỷ đồng; các dự án khai thác khoáng sản hoạt động ổn định. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 20 nhà máy thủy điện với tổng công suất 259 MW, mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn.

Thương mại, dịch vụ của huyện có bước phát triển nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 990 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 5 chợ và hàng nghìn cơ sở kinh doanh, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Trong nhiệm kỳ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.925 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn trước; thu ngân sách nhà nước đạt 207,6 tỷ đồng (bằng 197% so với mục tiêu đại hội); nguồn lực đầu tư được quản lý, sử dụng hiệu quả, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng.

Mặc dù trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Văn Bàn đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc huy động nguồn lực có thời điểm hạn chế; quy mô sản xuất còn nhỏ, liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa; tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm; hạ tầng du lịch, dịch vụ thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn thu của huyện chưa thực sự bền vững… Đặc biệt, một số tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tiếp tục bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hợp tác liên kết phát triển kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân.

Một góc khu hành chính mới của huyện Văn Bàn.

Một góc khu hành chính mới của huyện Văn Bàn.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, xác định được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 - 2025 khi các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng như đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Lai Châu, đường sắt tốc độ cao qua địa phận Văn Bàn, Cảng Hàng không quốc tế Sa Pa, đường Quý Xa - Tằng Loỏng... được hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra những cơ hội “vàng” để kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, bền vững. Vì thế, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trong tâm trong những năm tiếp theo là tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững.

Cụ thể, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: tạo đột phá trong phát triển hạ tầng và đô thị gắn với thực hiện quy hoạch của tỉnh, ưu tiên đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng ở 4 vùng kinh tế trọng tâm là thị trấn Khánh Yên, xã Võ Lao, xã Dương Quỳ và xã Khánh Yên Hạ. Bám sát tiến độ các dự án giao thông lớn và các dự án thương mại, dịch vụ... của tỉnh để xây dựng kịch bản, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khi các dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác. Thực hiện tốt quy hoạch vùng, hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết thị trấn Khánh Yên đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết trung tâm 10 xã, tạo thành hệ thống đô thị trọng điểm: phía Đông là đô thị Tân An gắn với du lịch tâm linh Bảo Hà; phía Bắc xây dựng đô thị Võ Lao; phía Tây là khu đô thị Dương Quỳ gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và phía Nam là đô thị dịch vụ nông nghiệp Khánh Yên Hạ. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, hỗ trợ những lĩnh vực có thế mạnh; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư, tạo sự chủ động đối với các địa phương; khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) trong tốp đầu của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và từng bước hình thành các khu du lịch tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, hỗ trợ phát triển các loại hình, các điểm du lịch gắn với phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, du lịch cộng đồng lồng ghép với xây dựng nông thôn mới; thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng thương mại tại khu đô thị, nhà nước đầu tư tại khu vực nông thôn và vùng khó khăn để hình thành mạng lưới thương mại đồng bộ, văn minh, mục tiêu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.300 tỷ đồng vào năm 2025.

Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo và với tầm nhìn chiến lược về sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và Nhân dân Văn Bàn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ các nguồn lực xây dựng huyện ngày càng đổi mới và phát triển. Qua đó, thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh và bền vững, vừa góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Văn Bàn là căn cứ hậu phương vững chắc của tỉnh.

P.C.H

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-the-manh-tung-buoc-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-hop-ly-ben-vung-z3n20200622100219614.htm