Khai thông dòng chảy đầu tư nước ngoài vào mô hình BOT

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến dự án BOT là có thật, tuy nhiên cơ chế chưa ổn định khiến các nhà đầu tư không đủ khả năng và kiên nhẫn để vượt qua.

Vốn ngoại đã rót vào BOT

Lâu nay, câu chuyện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều khúc mắc. Những câu hỏi vẫn được đặt ra như vì sao cho đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP giao thông như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” do Tạp chí Nhà Đầu tư và Công ty kiểm toán quốc tế KPMG đồng tổ chức ngày 15/5, ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám KPMG nhấn mạnh rằng: “Trong lĩnh vực giao thông vận tải, không phải các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia vào các dự án PPP. Các nhà đầu tư nước ngoài có tham gia nhưng thông qua việc mua lại cổ phần của một số các công ty Việt Nam đã đầu tư vào các dự án BOT”.

Các nhà đầu tư nước ngoài có tham gia nhưng thông qua việc mua lại cổ phần của một số các công ty Việt Nam đã đầu tư vào các dự án BOT”. Ảnh minh họa

Các nhà đầu tư nước ngoài có tham gia nhưng thông qua việc mua lại cổ phần của một số các công ty Việt Nam đã đầu tư vào các dự án BOT”. Ảnh minh họa

Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vao các dự án giao thông theo hình thức BOT và đã có nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia vào dự án BOT đó là dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Hà Nam của Công ty Cổ phần FECON.

Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, tháng 6/2017, hai công ty Nhật Bản là Công ty Cổ phần Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) và Công ty Cổ phần Đường cao tốc Quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) mới hoàn thành đàm phán mua lại 20% cổ phần của FECON tại dự án này. Gần 10 năm trước, một trong 2 doanh nghiệp Nhật Bản này đã từng có ý định đầu tư mới dự án BOT tại Việt Nam nhưng rồi lại bỏ cuộc.

Phía Công ty Đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) nhận chuyển nhượng 3,92 triệu cổ phần, tương ứng 14% vốn điều lệ và Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) nhận chuyển nhượng 1,68 triệu cổ phần, tương ứng 6%.

Giá trị của đợt chuyển nhượng này không được công bố. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng có thể đem về cho FECON khoảng 67 tỷ đồng, đem lại khoảng 11 tỷ đồng lợi nhuận tài chính. Đây là dự án đầu tiên chính thức bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, sau nhiều cam kết của doanh nghiệp Việt với các nhà đầu tư nước ngoài khác ở nhiều dự án BOT song đến nay chưa hoàn tất.

Dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016, chính thức đưa vào khai thác và thu phí kể từ ngày 24/11/2016. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 2.046 tỷ đồng do liên danh FECON, Cotteccons, Cienco 1 làm chủ đầu tư, trong đó FECON 40%, Cottecons 35%, Cienco 1 sở hữu 25% vốn.

Ngoài việc mua 20% cổ phần, NEXCO và JEXWAY còn tham gia vào việc quản lý và vận hành dự án, đồng thời áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ quản lý của Nhật Bản vào đây. Sau đó, NEXCO và JEXWAY cùng hợp tác với FECON chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý của Nhật Bản tại các dự án hạ tầng giao thông khác.

Bài liên quan

Bộ trưởng Giao thông: Nhiều dự án BOT chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm

Dự án BOT nhìn từ câu chuyện 'giải cứu' cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Chờ cơ chế ổn định

Trước FECON, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cũng từng ký hợp đồng ghi nhớ, bán 70% số cổ phần tại dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho nhóm đối tác đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, sau lễ ký từ năm 2014 đến nay các bên chưa có hợp đồng mua bán chính thức số cổ phần này.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán, thực hiện các dự án BOT giao thông tại Việt Nam. Từ năm 2007, Bộ đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thí điểm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2012, Thủ tướng phê duyệt cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện dự án nhưng đến nay chưa thể triển khai. Một nguyên nhân cơ bản là các bộ ngành mất rất nhiều thời gian nhưng không thống nhất được cơ chế phân bổ rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Bộ GTVT cũng đã thông báo mời thầu sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, với cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là dự án hấp dẫn nhưng các nhà đầu tư quốc tế sau khi nghiên cứu hồ sơ sơ tuyển đã không tham gia do cơ chế phân bổ rủi ro hiện không hợp lý (lợi nhuận thấp, nhà đầu tư phải chịu kinh phí giải phóng mặt bằng, rủi do doanh thu không được bảo lãnh…). Do vậy, họ bắt đầu hướng tới việc mua bán sáp nhập các dự án BOT mà nhà đầu tư trong nước đã vận hành, khai thác.

“Vì cơ chế của Việt Nam để tham gia vào các dự án BOT rất phức tạp nên họ không đủ khả năng và kiên nhẫn vượt qua các rào cản này. Các nhà đầu tư nước ngoài thường chờ đợi các nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào sau đó mua cổ phần của nhà đầu tư Việt Nam”, ông Nguyễn Công Ái cho biết.

Tuy nhiên về lâu dài, theo Phó tổng KPMG, nếu không được đưa vào luật thì những thay đổi về môi trường pháp lý sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Vì vậy, cơ chế chính sách thông suốt và ổn định trong thời gian dài sẽ thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài nước ngoài.

Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Những điểm mới tại Nghị định 63 về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó tăng sức hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư nhờ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, trong khi quy định hiện hành lại thiếu những cơ chế bảo lãnh cần thiết.

Video: Hé lộ bí mất đằng sau phần lớn dự án BOT

Từ thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm đối với 2 dự án gồm Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Theo Bộ Tài chính, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai ở Việt Nam cho thấy, việc Chính phủ chấp thuận bảo lãnh cho một số rủi ro của các hợp đồng PPP là cần thiết để bảo đảm thu hút được khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tài chính, khả năng quản lý và môi trường đầu tư, Chính phủ sẽ phải lựa chọn áp dụng các công cụ bảo lãnh phù hợp.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khai-thong-dong-chay-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-mo-hinh-bot-d408244.html