Khám phá 6 công trình 'xanh' độc đáo trên thế giới
Hướng đến sự phát triển bền vững trong xây dựng, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là các công trình xanh. Công trình xanh không chỉ sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường mà còn được thiết kế với mục tiêu tiết kiệm tối đa năng lượng. Hãy cùng tìm hiểu về 6 công trình xanh nổi tiếng trên thế giới trong bài viết dưới đây.
1. Tòa nhà The Crystal tại London, Anh
Được xây dựng ở London, The Crystal lấy cảm hứng thiết kế từ nhà hát Opera ở Sydney, Australia. Đây thực sự là một công trình kiến trúc xanh ngoạn mục bởi nó bền vững và có thể tự tạo ra năng lượng để vận hành các thiết bị điển tử bên trong. Hệ thống đánh giá Công trình đứng đầu về thiết kế Năng lượng và Môi trường của Mỹ (LEED) đã trao giấy chứng nhận cho công trình này.
The Crystal không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng các nguồn lượ̣ng điện thay thế. Mái nhà có bề mặt dốc giúp tích trữ nước mưa để vận hành máy phát điện cho cả công trình.
Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải được thiết kế để tái chế và tái sử dụng tối đa chất thải giúp đảm bảo không một nguồn năng lượng nào bị bỏ phí và không một lượng chất thải có khả năng gây ô nhiễm nào thoát ra bên ngoài.
2. Tòa nhà Pixel, Melbourne, Úc
Tòa nhà Pixel có một phong cách thiết kế đặc biệt, nhưng nó là lại là một trong những công trình xanh tốt nhất trên thế giới. Tổ hợp thể thao sinh thái thân thiện môi trường này được cung cấp năng lượng từ nhiều tấm pin mặt trời có thể chuyển động theo vị trí của mặt trời. Ngoài ra, nhà vệ sinh chân không không cần xả nước và một hệ thống chuyển đổi chất thải thành nhiệt cũng là những điểm nhấn của Pixel.
3. Tòa nhà ACROS Fukuoka Foundation Building, Fukuoka, Nhật Bản
Trở thành một trong những công trình nổi tiếng của Fukuoka, tòa nhà ACROS Fukuoka Foundation Building được xem là biểu tượng hoàn hảo về những công trình xanh bền vững.
Tòa nhà có kiến trúc đặc biệt với một bên là nhà văn phòng cao tầng, bên còn lại là công viên phủ thảm cây xanh khổng lồ. Thiết kế của tòa nhà có 35.000 cây xanh thuộc 76 loài không chỉ giúp tòa nhà giảm nhiệt độ mà còn tạo ra sự sống cho nhiều loài chim, giúp thoát nước dễ dàng trong tiết trời mưa hay tuyết.
4. Trung tâm Thương mại Thế giới Bahrain, Bahrain
Các thiết kế hướng đến tương lai của Trung tâm Thương mại thế giới tại Bahrain sử dụng năng lượng gió bằng cách đặt 3 tuabin gió khổng lồ trước tòa nhà, cung cấp 15 phần trăm năng lượng sử dụng trong tòa nhà. Được biết, các tuabin này có đường kính cánh quạt lên tới 29 mét giúp chuyển hóa năng lượng gió thành dòng điện lớn. Tòa nhà cũng được trang bị một hệ thống thu hồi nhiệt và tiếp nhận tối đa ánh sáng từ mặt trời mặt trời để cắt giảm điện năng.
5. Bệnh viện Khoo Teck Puat, Trung tâm Yishun, Singapore
Được thiết kế bởi Công ty Tư vấn Bất động sản CPG Consultants và Công ty Kiến trúc quốc tế RMJM, thiết kế của Bệnh viện Khoo Teck Puat đã tạo ra một chuẩn mực mới cho các cơ sở y tế. Bệnh viện công này có 550 giường bệnh và 38 phòng khám chuyên khoa, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hơn 700.000 người dân sống ở phía bắc Singapore.
Ở phía bên ngoài bệnh viện, cây cối được trồng khá um tùm. Ở bên trong, các phòng bệnh có tầm nhìn bao quát ra quang cảnh xanh mát bên ngoài, đồng thời được thiết kế để tối đa hóa hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng ban ngày. Bệnh viện thân thiện với môi trường này cũng sở hữu một số tính năng bền vững như dùng hệ thống pin mặt trời để làm nóng nước sinh hoạt, dùng các cửa gió để giảm thiểu nhu cầu sử dụng điều hòa ở các khu vực công cộng…
6. Thư viện công cộng Đài Bắc Chi nhánh Beitou, Đài Loan
Thư viện công cộng Đài Bắc Chi nhánh Beitou là một tòa nhà thân thiện với môi trường. Đây là tòa nhà đầu tiên tại Đài Loan đủ điều kiện được xếp hạng kim cương, hạng cao nhất theo hệ thống chứng nhận EEWH của chính phủ nước này. Thư viện công cộng sử dụng các cửa sổ lớn để giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Hầu như tất cả các cửa sổ được mở rộng để giảm thiểu việc sử dụng quạt và máy điều hòa không khí. Một phần của mái nhà của nó cũng được bao phủ bởi các tế bào quang điện trực tiếp chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng. Mái nhà của nó được thiết kế để hứng nước mưa và lưu trữ để sử dụng trong nhà vệ sinh của thư viện.