Khám phá câu chuyện thú vị xung quanh những 'Phi hành gia bốn chân'
Cuốn sách 'Phi hành gia bốn chân' của tác giả Daria Chudnaya được viết ra để tưởng nhớ những chú chó đồng thời cũng là những nhà chinh phục vũ trụ đầu tiên.
Các phi công vũ trụ từng bay vào quỹ đạo rất biết ơn những người bạn chó nhỏ bé của mình. Chúng là những sinh vật sống đầu tiên trải qua tất cả các thử nghiệm và đã thực sự tồn tại trong không gian vũ trụ.
Khóa huấn luyện phi hành gia bốn chân vốn là một dự án tối mật sẽ được kể lại cùng với những câu chuyện có thực về quá trình tuyển chọn huấn luyện và đưa những chú chó dũng cảm bay vào vũ trụ.
Tại sao lại là chó?
Cả thế giới đều biết đến tên tuổi của phi hành gia đầu tiên là Yuri Gagarin cùng tàu vũ trụ Phương Đông được phóng từ Trái Đất vào ngày 12/4/1961. Anh đúng là người đầu tiên, nhưng không phải là sinh vật Trái Đất đầu tiên bay vào vũ trụ.
Lần đầu tiên, con người còn chưa biết gì về vũ trụ, chúng ta đã chuẩn bị để tiến vào một miền u minh tuyệt đối. Ta không thể hiểu liệu con người có thể chịu được tình trạng sức ép rất khó chịu trong quá trình cất và hạ cánh? Việc ở trong môi trường không trọng lượng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
Bức xạ có hủy hoại phi hành gia hay không? Trên Trái Đất, chúng ta được lớp từ trường hành tinh bảo vệ khỏi bức xạ, nhưng trên tàu vũ trụ thì không có lớp từ trường này... Sẽ thế nào nếu bước ra ngoài vũ trụ? Một loạt các câu hỏi cần được giải đáp.
Và sinh vật đầu tiên được lựa chọn xuất hiện trong vũ trụ là chú chó Laika. Nó đã bay trên vệ tinh thứ hai (vệ tinh nhân tạo của Trái Đất). Đây cũng là vệ tinh sinh học đầu tiên trên Trái Đất.
Con người lựa chọn những chú chó đầu tiên bởi sinh vật này vốn đã thân thiết với loài người trong lịch sử, lại rất dễ huấn luyện. Bất kỳ con chó nào cũng dễ dàng nhớ hàng trăm khẩu lệnh; những con đặc biệt thì có khả năng nhớ gấp nhiều lần hơn nữa.
Được lựa chọn là những chú chó không thuần chủng, có sức chịu đựng tốt, thông minh, ranh mãnh, khỏe mạnh, phản ứng nhanh và hiệu quả. Cuộc sống lang thang đã dạy chúng phải luôn sẵn sàng trước bất kỳ mọi bất trắc, nguy hiểm và rắc rối nào.
Một cuộc săn lùng những con chó hoang bắt đầu diễn ra tại Moskava. Vào mùa thu năm 1950, những chú chó được công nhận là phù hợp cho công việc đã bắt đầu trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu tại Viện nghiên cứu Y học Hàng không. Và đến mùa hè năm 1951, 14 thành viên của đội phi hành gia đầu tiên đã hoàn toàn sẵn sàng cho các chuyến bay.
Lần đầu tiên khi thấy những chú chó quay trở về bình an, đội ngũ huấn luyện viên, bác sĩ đã cận kề bên chúng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc đến thế.
Cuốn sách Phi hành gia bốn chân đã tạo nên một bức tranh sinh động của những chú chó khi bắt đầu hành trình bay vào vũ trụ.
Những ngôi sao dũng cảm
Bay vào vũ trụ ẩn chứa thật nhiều nguy hiểm không thể lường trước. Bởi thế mỗi chuyến bay của các chú chó - dù đã được chuẩn bị rất cẩn trọng - vẫn có khi xảy ra những sự cố.
Trong ngày 4/11/1955, bạn chó Bé Con cùng bạn đồng hành tên Nút được phóng ra ở độ cao 90km. Mặt đất tưởng như đã gần lắm rồi, nhưng một cơn gió bất chợt cuốn chiếc dù đã mở về một hướng không xác định.
Một cơn bão đang hoành hành trong khu vực Kapustin Yar nhưng mọi người vẫn lao đi tìm kiếm. Họ huy động mọi phương tiện, máy bay, trực thăng, ô tô và cả đi bộ để tìm Bé Con, nhưng sau hai ngày cũng không có kết quả.
Mọi người nghĩ rằng Bé Con đã chết. Có người đã bỏ cuộc tìm kiếm, nhưng bác sĩ quân y Alexander Seryapin vẫn kiên nhẫn lái xe cả ngày để tìm cho bằng được Bé Con.
Cuối cùng đã tìm được Bé Con, đang vững vàng chờ đợi khi bị buộc trên xe đẩy với bộ quần áo phi hành gia trùm kín. Bé Con đã ngồi trong đó ba ngày không ăn không uống.
Bé Con đã trở về và được cứu sống, nhưng cũng có những chú chó không thể quay về.
Vụ tai nạn tên lửa với Bé Cáo và Hải Âu xảy ra vào giây thứ mười chín sau khi tên lửa được phóng. Sau vụ này, mọi người quyết định sẽ phát triển hệ thống cứu hộ khẩn cấp không chỉ dành cho các điều kiện trong vũ trụ hoặc khi hạ cánh, mà còn cho cả quá trình phóng tên lửa. Ít nhất, bốn phi hành gia đã được cứu mạng nhờ sự hy sinh của Bé Cáo và Hải Âu.
Sự hi sinh của chú chó Laika là một dấu ấn quan trọng, góp phần làm thay đổi lịch sử nghiên cứu vũ trụ của con người. Mọi người luôn nhớ về sự hy sinh đó. Người ta dựng tượng đài của Bé Cáo (Laika) - bạn chó đầu tiên bay lên quỹ đạo - tại Viện Y học Quân đội ở Moskva.
Cuốn sách Phi hành gia bốn chân được viết cho thiếu nhi với mong muốn giúp các em dễ dàng tiếp cận với những kiến thức khoa học thú vị thông qua các câu chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn.
Cuốn sách cũng hấp dẫn những độc giả lớn tuổi, những người vừa yêu thích khoa học vũ trụ, vừa có tình yêu dạt dào với những chú chó.
Tác giả Daria Chudnaya chia sẻ: “Với tôi, quan trọng nhất là viết sao cho câu chuyện thật sống động. Nhờ thế, trong khoảnh khắc nào đó độc giả có thể cảm thấy như chính mình được đồng hành cùng các sự kiện, cùng các nhân vật trong sách, bước những bước đi của nhân loại, tuy dè dặt nhưng cũng đầy táo bạo, dũng cảm và tự tin trên con đường dẫn đến ước mơ chinh phục vũ trụ”.
Phi hành gia bốn chân là một câu chuyện khoa học được kể chân thực, sống động đầy cảm hứng. Sách được minh họa màu, in nhũ bìa rất đẹp cùng với những ảnh tư liệu quý giá sẽ là một tấm vé tham quan bảo tàng vũ trụ tuyệt vời.