Khám phá di sản tương lai Hà Nội

'Hà Nội sẽ có diện mạo ra sao trong 25 năm nữa? Và chúng ta có thể trở thành 'tổ tiên tốt' thông qua thực hành như thế nào?' Sinh viên RMIT đến từ Việt Nam và Australia đã tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua chương trình Future Ancestors.

Nhóm Dệt nên tương lai thăm các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Michal Teague

Nhóm Dệt nên tương lai thăm các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Michal Teague

Trong khoảng thời gian hai tuần, hơn 30 sinh viên RMIT đến từ Melbourne (Australia) và Hà Nội đã tham gia các dự án thực địa liên ngành ở nội đô và ngoại ô Hà Nội với sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp.

Từ tham quan một khu tập thể xây dựng vào thập niên 1980, đến khám phá nghề dệt và nhuộm lụa truyền thống ở làng Vạn Phúc, hay lang thang trong phố cổ để ghi lại những khoảnh khắc đi làm thường nhật của người dân, sinh viên đã được trải nghiệm bản sắc của Thủ đô thông qua nhiều hoạt động và cuộc trò chuyện với cư dân, nghệ nhân và nghệ sĩ nơi đây.

Future Ancestors (tạm dịch: Tổ tiên tương lai) là chương trình trao đổi sinh viên quốc tế nhằm khám phá các vấn đề giao thoa giữa thực tiễn sáng tạo đương đại và trăn trở về di sản văn hóa.

Chương trình lấy xuất phát điểm là những dự đoán về TP Hà Nội trong 25 năm tới và đặt câu hỏi về vai trò của người thực hành sáng tạo trong việc bảo tồn và kiến tạo “di sản tương lai”.

Chuyến tham quan học tập tại Hà Nội được chia thành ba nhóm gồm các sinh viên và giảng viên đến từ cơ sở Melbourne và Hà Nội của RMIT cùng với các cố vấn thuộc nhiều ngành nghề. Mỗi nhóm triển khai một dự án cụ thể gồm: Nối dài di sản, Dệt nên tương lai hoặc Di chuyển trong nội thành.

Dự án Nối dài di sản phối hợp với Hà Nội Ad Hoc đã ghi lại sáu công trình kiến trúc ở Hà Nội, bao gồm nhà tập thể ở Nghĩa Tân và Hàm Tử Quan, nhà ống ở phố Mã Mây và Hàng Gai, và hai biệt thự Pháp ở quận Hoàn Kiếm.

Kiến trúc sư Trung Mai - nhà sáng lập Hà Nội Ad Hoc và cố vấn chuyên môn cho nhóm, đánh giá cao tính tương tác giữa các quan điểm khác nhau và tinh thần hợp tác của nhóm sinh viên trong quá trình khám phá những lớp cắt của di sản kiến trúc Hà Nội. “Sự nhiệt tình và tò mò của các bạn sinh viên đã tiếp thêm năng lượng cho hành trình thực địa của chúng tôi. Tôi vô cùng hào hứng với trải nghiệm này vì được chứng kiến sự giao thoa văn hóa giữa Melbourne và Hà Nội diễn ra ngay trước mắt mình” - anh nói.

Nhóm đã dựng mô hình 3D của các công trình bằng kỹ thuật photogrammetry (chụp ảnh từ nhiều góc khác nhau sau đó kết hợp lại) và lidar (quét bằng công nghệ laser). Các mô hình sau đó có thể được lưu trữ ở định dạng kỹ thuật số nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu và bảo tồn, hoặc đưa vào môi trường thực tế ảo mở rộng (XR) để mang lại trải nghiệm xem chân thực.

Lucas Horta - sinh viên Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) Đại học RMIT, chia sẻ: “Chúng tôi đều tham gia dự án này với ý thức rằng việc lưu trữ kỹ thuật số rất quan trọng cho các thế hệ tiếp theo. Với lượng dữ liệu khổng lồ mà nhóm chúng tôi thu thập được, quá trình lưu trữ chỉ mới bắt đầu. Tôi đã ‘lỡ phải lòng’ những nơi mà chúng tôi được ghé thăm và chụp ảnh, vì vậy đối với tôi, đây chắc chắn chưa phải hồi kết của dự án này”.

Trong khi đó, nhóm Dệt nên tương lai đã phối hợp với nhiều chuyên gia thiết kế và thủ công, bao gồm nhà thiết kế Thảo Vũ từ thương hiệu thời trang Kilomet109 và nghệ nhân Sầm Thị Tình từ thương hiệu Thổ cẩm Hoa Tiến, nhằm khám phá cách các hoạt động dệt thủ công và thiết kế thời trang đang phản ánh và đóng góp cho sự phát triển bền vững văn hóa và môi trường, cũng như phúc lợi chung của các cộng đồng địa phương.

Giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo Đại học RMIT Việt Nam, ThS Michal Teague giải thích: “Chúng tôi triển khai ý tưởng này bằng cách lựa chọn những nghệ sĩ và nhà thiết kế đang tích hợp tính trường tồn và tính tuần hoàn vào hoạt động sáng tạo của họ ở Việt Nam, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các cộng đồng thủ công để kết hợp các kỹ thuật truyền thống với thiết kế đương đại nhằm bảo tồn văn hóa”.

Đến với nhóm Di chuyển trong nội thành, sinh viên được giao nhiệm vụ du ngoạn những con phố Hà Nội với chiếc máy ảnh trong tay nhằm khám phá các vấn đề xã hội khác nhau xung quanh hoạt động di chuyển thường nhật. Nhóm đã tìm hiểu cách lịch sử, thiết kế đô thị, biến đổi khí hậu và sự hòa nhập đang ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển quanh thành phố trong hiện tại và tương lai.

Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Không gian nhiếp ảnh Matca, đơn vị đề xuất phương pháp luận, cung cấp các bài giảng và cố vấn cho sinh viên.

TS Alan Hill - người điều phối chương trình Future Ancestors, giảng viên Nhiếp ảnh Đại học RMIT, cho rằng Hà Nội là “điểm đến hoàn hảo cho chương trình này”. Hà Nội được chọn bởi đây là một trung tâm văn hóa và nghệ thuật lớn ở Việt Nam, đồng thời là nơi Đại học RMIT đặt một cơ sở hoạt động trong nội đô, tương tự như ở Melbourne.

TS Hill nói thêm: “Hợp tác và giải quyết các vấn đề thực tế là yếu tố rất quan trọng giáo dục sáng tạo. Chúng tôi đến đây để học hỏi lẫn nhau cùng các đối tác trong ngành và sinh viên địa phương”.

Đối với Lê Hoàng Thảo Uyên - sinh viên Cử nhân Thời trang (Thiết kế) đến từ Hà Nội và đang học tập tại Melbourne, đây là một trải nghiệm thú vị vì cô bạn vừa có thể khám phá những khía cạnh mới của thủ đô, vừa được giao lưu với các nhà thiết kế, nghệ nhân và người dân đầy nhiệt huyết đang thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kham-pha-di-san-tuong-lai-ha-noi-364330.html