Khám phá Lộc Viện Bình - vùng đất cuối cùng không có đường cái vào ở Trung Quốc

Là một quốc gia rất coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng ở Trung Quốc vẫn có một vùng đất mà người ta chỉ có thể men theo vách núi để đi vào. Vùng đất này gần như tách biệt với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian dài, từng nổi tiếng với tên gọi 'Làng độc thân' vì nhiều đàn ông không lấy nổi vợ.

Lộc Viện Bình thuộc thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Nơi đây vốn là một trong những vùng đất chạy loạn của người dân vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Anh em dòng họ Bùi ở Hồ Nam khi đến đây đã phát hiện ra một vùng thung lũng tốt tươi giữa bốn bề vách đá cheo leo.

Do không có đường, họ đã phải dùng những tấm vải trắng buộc lại làm dây để leo xuống. Tuy nhiên, khi định quay trở về để báo với người thân, dây đã bị sóc bay cắn đứt. May thay, họ phát hiện thấy một đàn hươu núi và theo chúng quay lại được phía trên.

Một bên là đường men theo vách núi, một bên là thang máy để đi từ trên núi xuống Lộc Viện Bình

Một bên là đường men theo vách núi, một bên là thang máy để đi từ trên núi xuống Lộc Viện Bình

Chữ “Lộc” trong “Lộc Viện Bình” có nghĩa là hươu. Vùng đất này ban đầu có tên Lộc Dẫn Bình do được hươu dẫn đường. Bình, tức bình địa, vùng đất bằng phẳng. Sau đó, hươu dần trở thành bạn của người dân địa phương và thường xuất hiện giữa sân nhà (Viện) của họ, nên đổi tên là Lộc Viện Bình.

Nằm ở độ cao khoảng 1.700m, suốt mấy trăm năm, dù bên ngoài vật đổi sao rời, đường xá, cầu cống và các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, nhưng do địa thế đặc biệt, Lộc Viện Bình vẫn bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhiều người dân ở đây đã phải dời đến nơi có điều kiện tốt hơn, hiện chỉ còn chưa đến 30 hộ dân với không tới 90 nhân khẩu.

Ông Chu Thượng Hoa, một người dân địa phương, cho biết khi vùng đất này chưa được biết đến, người dân ở đây rất cực khổ, một số ở lại gánh gùi cho một nhà máy lưu huỳnh để kiếm sống, phần lớn còn lại phải ra ngoài làm công. Sau khi được những người yêu thích leo núi phát hiện, ông cùng một số người dân trong làng bắt đầu làm du lịch phục vụ các vị khách này.

Ông Châu Thi Thành, một người dân địa phương đang vác những tấm gỗ lên núi

Ông Châu Thi Thành, một người dân địa phương đang vác những tấm gỗ lên núi

Ông Chu Thượng Hoa cho biết: “Trước kia chưa phát triển du lịch, chúng tôi phải đi làm thuê ở nơi khác, rất khổ. Đó là khoảng tầm năm 1998. Giờ cả gia đình tôi mở quán, làm du lịch lưu trú (homestay), trồng thuốc, mỗi tháng thu nhập cũng được tầm 100.000 nhân dân tệ (khoảng 330 triệu đồng)”.

Sau những năm 2000, Lộc Viện Bình dần trở nên nổi tiếng với những tín đồ du lịch leo núi (Trekking) bởi địa hình hiểm trở và cảnh đẹp hoang sơ. Để vào được đây, con đường ngắn nhất mà người dân và du khách thường đi là đường mòn ven theo vách núi với hơn 1.500 bậc.

Ông Tạ Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Du lịch Lộc Viện Bình.

Ông Tạ Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Du lịch Lộc Viện Bình.

Đến năm 2016, dưới sự thuyết phục của ông Vương Chí Minh, người từng có gần 20 năm làm Bí thư thôn Tân Điền, nơi có Lộc Viện Bình, một doanh nghiệp đã đến đây khai thác du lịch và đầu tư hơn 73 triệu nhân dân tệ (hơn 10 triệu USD), xây một chiếc thang máy nghiêng dài nhất thế giới. Sau 5 năm thi công, thang máy có chiều dài 380 mét, tương đương tòa nhà 100 tầng, đã chính thức đi vào hoạt động năm 2021.

Giờ nếu không muốn leo núi, du khách đã có thể đi thang máy. Mỗi lần lên hoặc xuống chỉ mất tầm 2-3 phút, nhưng giá vé là 90 nhân dân tệ (khoảng 300.000 đồng).

Tuy nhiên, không phải người dân địa phương nào cũng có thể đi thang máy hay kinh doanh làm du lịch. Một số vẫn lao động chân tay kiếm sống bằng việc gánh gùi, khiêng vác vật liệu xây dựng hay kiệu khách lên xuống. Bóng dáng họ xuất hiện dọc đường đi và các điểm tham quan.

Ông Châu Thi Thành, năm nay đã 60 tuổi, ngày ngày vẫn vác gỗ lên núi để chủ đầu tư hoàn thiện các công trình. Ông chia sẻ, vì cuộc sống ông sẽ còn vác đến khi nào còn sức: “Cuộc sống của tôi vẫn vất vả lắm. Tôi vác những thanh gỗ này từ dưới kia lên trên núi, chí ít cũng mất cả tiếng đồng hồ, nhưng chỉ được hơn 20 tệ (hơn 66.000 đồng). Bình thường tôi cũng chả đi thang máy vì mỗi lần đi mất tới 30 tệ (khoảng 100.000 đồng). Vất vả mãi mới kiếm được ít tiền, liệu có nên đi không”.

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của tân Bí thư thôn Tân Điền Lý Lộ, khai thác du lịch đã thay đổi rất nhiều cuộc sống người dân nơi đây: “Trước kia, người dân ở Lộc Viện Bình chủ yếu sinh sống bằng nghề gùi lưu huỳnh. Những năm gần đây, nhờ có du lịch, cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Trước đây, mọi thứ chúng tôi đều phải gánh gùi, giờ đã có cáp chuyển hàng. Đến nay, chúng tôi đã có thể kinh doanh, mở cửa hàng. Nhờ được ‘ăn cơm du lịch’, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt 20.000 tệ (khoảng 66 triệu đồng)/năm”.

Là doanh nhân đầu tư khai thác vùng đất này, ông Tạ Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Du lịch Lộc Viện Bình, vốn là một người yêu thích môn thể thao đi bộ leo núi. Chính cảnh đẹp thiên nhiên, cùng việc cha ông từng làm giám đốc nhà máy lưu huỳnh tại đây, đã thôi thúc ông đầu tư vào vùng đất hoang sơ này.

Ông Tạ Thiên cho hay: “Ban đầu, chúng tôi đến đây cũng chỉ với tư cách là một du khách. Nhưng phát hiện nơi này thực sự đẹp. Hơn nữa, đây là một ngôi làng cổ kính nguyên sơ. Là người Ân Thi, tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải phát triển nơi này để người đời biết đến. Hơn nữa, là một làng cổ, từ xa xưa nơi đây đã không có đường vào, là du khách chúng tôi cũng thấy chạnh lòng. Nếu nơi này không được khai thác, chỉ 5-7 năm nữa rất có thể nó sẽ biến mất. Và như vậy những cảnh đẹp ở đây sẽ bị người đời quên lãng, nếu vậy thì quả thực là đáng tiếc và lãng phí”.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/kham-pha-loc-vien-binh-vung-dat-cuoi-cung-khong-co-duong-cai-vao-o-trung-quoc-post1040609.vov