Khám phá sức mạnh tàu hộ vệ Inazuma (DD-105) đang thăm Việt Nam

Inazuma (DD-105) là tàu hộ vệ lớp Murasame đa năng, của Nhật Bản có hệ thống trang bị tự động hóa cao, cùng tổ hợp vũ khí hiện đại.

Tàu hộ vệ Inazuma và tàu huấn luyện Hatakaze, thuộc Biên đội tàu huấn luyện đường dài của Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) vừa cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Chuyến thăm 3 ngày này (từ 24 đến 26-2) nhằm thúc đẩy giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản, cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Nhật Bản.

JS Inazuma (DD-105) là tàu hộ vệ đa năng thế hệ thứ 3, thuộc phân loại khinh hạm cỡ lớn. Con tàu là một phần quan trọng trong lực lượng hộ tống của JMSDF. Tàu Inazuma (DD-105) được tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries bắt đầu chế tạo tại Nagasaki tháng 5-1997, hạ thủy tháng 9-1998. Tàu được chính thức đưa vào hoạt động ngày 15-3-2000. Inazuma (DD-105) được biên chế vào Quân đoàn Hộ tống số 4, và được triển khai ở cảng Kure.

JS Inazuma (DD-105) là tàu hộ vệ đa năng thế hệ thứ 3 của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF.

JS Inazuma (DD-105) là tàu hộ vệ đa năng thế hệ thứ 3 của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF.

Năm 1991, nhận thấy cần phải đóng một lớp tàu chiến mới để hiện đại hóa lực lượng tự vệ trên biển, Nhật Bản đã lên kế hoạch đóng các tàu chiến lớp DD 101 Murasame. Chúng được thiết kế để thay thế các tàu khu trục nhỏ lỗi thời, vốn được chế tạo từ trong giai đoạn 1960-1970.

Trong năm tài chính tiếp đó, các nhà máy đóng tàu Nhật Bản bắt đầu kế hoạch đóng 9 tàu khu trục lớp Murasame cho JMSDF. Con tàu đầu tiên của dự án này là Murasame (DD 101), được Ishikawajima-Harima Industries đóng tại Tokyo năm 1993, được bàn giao năm 1996.

Tàu khu trục lớp Murasame là loại tàu đa năng, trong quá trình phát triển, hoạt động tự động hóa của các hệ thống trên tàu rất được chú trọng. Điều này cho phép giảm số lượng thủy thủ đoàn xuống còn 165 người, đồng thời cải thiện điều kiện sinh hoạt trên tàu.

Tổ máy phát điện của tàu gồm 4 động cơ tuabin khí, cho phép đạt tốc độ tối đa hơn 54km/giờ, và khả năng hoạt động lên tới 8.300km (ở tốc độ 32km/giờ). Tàu có chiều dài 150,8m, chiều rộng 17m, độ mớn nước 5,2m.

Tàu khu trục lớp Murasame có lượng choán nước 4.400 tấn, lớn hơn 1.000 tấn so với lớp tàu Kiri tiền nhiệm. Vũ khí trang bị của lớp Murasame bao gồm các hệ thống radar tiên tiến, tên lửa phòng không, với bệ phóng thẳng đứng.

Tàu khu trục lớp Murasame trang bị trực thăng chống ngầm SH-60J Seahawk. Ảnh: JMSDF.

Tàu khu trục lớp Murasame trang bị trực thăng chống ngầm SH-60J Seahawk. Ảnh: JMSDF.

Theo hợp đồng giữa Lockheed Martin của Mỹ và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản, các tàu khu trục kiểu Murasame được trang bị bệ phóng thẳng đứng Mk 41, bố trí ở phần mũi tàu. Inazuma (DD-105) và 7 tàu khu trục đầu tiên thuộc loại này có 2 mô-đun 8 ô. Riêng chiếc thứ 9 là Ariake (DD 109) có 4 mô-đun.

Ở phần giữa của con tàu, có một bệ phóng Mk 48 loại 16 ô, dành riêng cho hệ thống phòng thủ tên lửa RIM-7M “Sea Sparrow”, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, cùng với 2 ngư lôi chống ngầm Mk 46 Mod 5.

Tàu còn được trang bị thêm 1 khẩu pháo 76mm OTO Melara, lắp phía trước mũi tàu. Ngoài ra còn có thêm 2 khẩu súng phòng không tầm ngắn 20mm Phalanx Mk 15, được thiết kế nhằm gia tăng khả năng tự vệ.

Các tàu khu trục lớp Murasame được trang bị 1 trực thăng chống ngầm SH-60J Seahawk. Theo đó, một bãi đáp trực thăng và một nhà chứa máy bay được bố trí ở khu vực đuôi tàu.

Hệ thống điện tử chính của tàu bao gồm radar OPS-28, thiết bị phát hiện mục tiêu trên không OPS-24, radar dẫn đường OPS-2, cùng 2 thiết bị điều khiển hỏa lực loại 2-31.

Ngoài ra, con tàu được trang bị máy thu vô tuyến URN-25 TACAN, hệ thống nhận dạng “bạn-thù” UPX- 29 AIMS Mk XII, cùng hệ thống đối phó thủy âm SLQ-25 Nixie và một số thiết bị hiện đại khác.

Theo kế hoạch ban đầu, Nhật Bản dự kiến đóng tổng cộng 14 tàu khu trục lớp Murasame. Tuy nhiên, chỉ có 9 chiếc được chế tạo. Hoạt động đóng mới sau đó được thực hiện với các tàu DD 110 lớp Takanami, một biến thể sửa đổi của lớp Murasame.

Chiếc tàu đầu tiên của phiên bản mới này bắt đầu đóng vào năm 1998. Nó có tên gọi chính thức là Takanami, số hiệu 2239. Tàu có hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn, lượng choán nước tăng thêm 100 tấn (nên được xếp vào lớp tàu mới). Đây sẽ là lớp tàu chiến hiện đại, nhằm tăng cường sức mạnh và thực thi nhiệm vụ cho Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản.

MINH TUẤN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/kham-pha-suc-manh-tau-ho-ve-inazuma-dd-105-dang-tham-viet-nam-687076