Khám phá tên lửa đạn đạo tầm xa mà Ukraine khoe có thể đe dọa thủ đô Nga

Ukraine đã thử thành công 'át chủ bài' là tên lửa đạn đạo mới HRIM-2. Có rất ít thông tin, nhưng nếu nhìn vào một số thông số của nó được tiết lộ, tên lửa này có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với Nga.

Xe phóng mang 2 quả đạn HRIM-2 (Ảnh: Toutiao)

Xe phóng mang 2 quả đạn HRIM-2 (Ảnh: Toutiao)

Loại vũ khí giúp Ukraine đe dọa Moscow

Ngày 22/10, ông Yehor Chernev, đại diện Ukraine tại NATO, tuyên bố với giới truyền thông rằng kết quả cụ thể của loại tên lửa đạn đạo mới mà Ukraine tự sản xuất trong nước (có thể là HRIM-2) sẽ sớm được công bố. Ông Chernev nhấn mạnh rằng mặc dù một số quả tên lửa đã được thử nghiệm nhưng vẫn tồn tại những vấn đề liên quan đến việc tích hợp các bộ phận, đồng thời úp mở rằng “cả Ukraine và Nga sẽ sớm được thấy kết quả”.

Theo thông tin rò rỉ, trước hết, tầm bắn của tên lửa đạn đạo HRIM-2 có thể đạt tới 700 km. Tên lửa HRIM-2 sử dụng động cơ 2 tầng nhiên liệu rắn, có đầu đạn nặng 500 kg, có thể tấn công trực tiếp vào Moscow và hầu hết các căn cứ chiến lược của Nga hỗ trợ cuộc chiến tranh với Ukraine.

Đường bay của tên lửa không nhất thiết phải theo quỹ đạo đạn đạo mà có thể cơ động theo quỹ đạo khí động học, cho phép nó thực hiện các động tác không thể đoán trước để tránh đòn đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương. Điều này có thể giúp tên lửa xuyên thủng mọi hệ thống phòng không tinh vi của đối phương, đặc điểm này tương tự tên lửa Iskander-M của Nga.

 Hình ảnh phóng thử HRIM-2 (Ảnh: Sohu).

Hình ảnh phóng thử HRIM-2 (Ảnh: Sohu).

Đáng chú ý, HRIM-2 là tên lửa do Ukraine tự sản xuất, quân đội Ukraine có thể sử dụng nó tấn công bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào họ muốn mà không cần đến sự đồng ý của Mỹ và các nước châu Âu. Đây mới là điều khiến phía Nga lo ngại nhất.

Bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin hôm 27/10 rất đáng chú ý. Ông cho biết, Nga đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để đáp trả trong trường hợp Mỹ và các đồng minh NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây như ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga.

Có vẻ như ông Putin đã “thiếu thông tin” nếu như chưa biết rằng tên lửa đạn đạo tự chế HRIM-2 của Ukraine có khả năng bắn tới Moscow đã hoàn thành thử nghiệm và đã bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai chiến đấu thực sự.

 Hệ thống HRIM-2 tham gia diễu binh (Ảnh: Wiki).

Hệ thống HRIM-2 tham gia diễu binh (Ảnh: Wiki).

Chương trình tên lửa đầy tham vọng

Mặc dù chiến sự khốc liệt và quân đội Ukraine đang gặp bất lợi nhưng việc nghiên cứu phát triển và sản xuất tên lửa của Ukraine vẫn tiến bộ đều đặn. Như Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh trước đó, Ukraine đã đạt được tiến bộ đáng kể trong công nghệ tên lửa.

Ngày 27/8/2024, tại diễn đàn "Năm Ukraine độc lập 2024", ông Zelensky tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo sản xuất trong nước đầu tiên của Ukraine, đánh dấu cột mốc quan trọng về năng lực phòng thủ. Mặc dù thông tin chi tiết về tên lửa vẫn được giữ bí mật nhưng vụ việc đánh dấu một bước quan trọng hướng tới khả năng tự lực trong sản xuất tên lửa, giảm sự phụ thuộc của Ukraine vào vũ khí phương Tây trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Hiện nay, chương trình tên lửa của Ukraine đã sản xuất được một số hệ thống đáng chú ý, bao gồm HRIM-2 (còn được gọi là Grim-2, Grom-2, Thunder hoặc OTRK Sapsan), một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa được thiết kế để cạnh tranh với tên lửa Iskander-M của Nga.

 HRIM-2 đã được Ukraine sản xuất hàng loạt và triển khai chiến đấu (Ảnh: Military).

HRIM-2 đã được Ukraine sản xuất hàng loạt và triển khai chiến đấu (Ảnh: Military).

Cuộc xung đột đang diễn ra với Nga đã làm tăng thêm sự cấp bách đối với Ukraine trong việc phát triển vũ khí tầm xa.

Ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa với Nga và nhấn mạnh rằng hoạt động ném bom gần đây của Nga đã gia tăng. Quân đội Ukraine đã có những hành động táo bạo, bao gồm cả cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga hồi đầu năm nay, để bù đắp cho sự thiếu hụt kho vũ khí tầm xa của nước này. Ông Zelensky nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng khả năng trả đũa trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, thường xuất phát từ các khu vực như Kursk và Belgorod.

Chương trình tên lửa của Ukraine liên tục phát triển và hệ thống HRIM-2 đóng vai trò then chốt trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Mặc dù chi tiết cụ thể về khả năng của HRIM-2 chưa được tiết lộ nhưng tầm bắn của nó được cho là khoảng 700 km. Đây là mức tăng đáng kể so với tầm bắn 280 km của phiên bản xuất khẩu ban đầu, giúp Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quân sự ở Crimea.

Các nguồn tin Ukraine cho rằng hệ thống này có liên quan đến nhiều cuộc tấn công thành công nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga. Trong một trường hợp, tên lửa được cho là đã được sử dụng để nhắm vào các sân bay của Nga ở Crimea, càng chứng tỏ tính hiệu quả trong hoạt động của nó.

 Hệ thống HRIM-2 nhìn từ phía sau trong trạng thái cơ động (Ảnh: Toutiao).

Hệ thống HRIM-2 nhìn từ phía sau trong trạng thái cơ động (Ảnh: Toutiao).

Một số chi tiết kỹ thuật về tên lửa đã được tiết lộ, nhưng Chuẩn tướng Ukraine Sergei Baranov cho biết tên lửa đang được tiếp tục cải tiến và cho rằng “quân đội Nga sẽ sớm cảm nhận được tác động của nó”.

Mặc dù Nga tuyên bố đã đánh chặn được những tên lửa này và phá hủy các cơ sở sản xuất liên quan nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine bày tỏ sự lạc quan về tiến triển trong tương lai. Họ cho biết khả năng sản xuất tên lửa của nước này sẽ tiếp tục được mở rộng, với tầm bắn tiềm năng lên tới 1.000 km. Những hoạt động R&D cải tiến được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, phản ánh niềm tin mạnh mẽ của Ukraine trong việc thực hiện được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất quân sự.

Ngoài ra, thiết kế của tên lửa HRIM-2 còn phản ánh tính linh hoạt trong triển khai vì nó có thể được phóng từ bệ phóng di động và có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau. Khả năng thích ứng này cho phép nó đóng cả vai trò phòng thủ và tấn công trong các cuộc xung đột, nhắm vào các tuyến đường tiếp tế, trung tâm chỉ huy và các thiết bị quân sự quan trọng khác của Nga.

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sở hữu một hệ thống tên lửa như HRIM-2 cho phép Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự độc lập hơn và có thể không cần đến sự phê duyệt sử dụng các loại vũ khí tầm xa do các nước phương Tây cung cấp.

Theo NetEasy, QQnews

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kham-pha-ten-lua-dan-dao-tam-xa-ma-ukraine-khoe-co-the-de-doa-thu-do-nga-post179578.html