Khám phá văn hóa vùng cao tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, người dân Thủ đô và các vùng lân cận có dịp khám phá những không gian đậm sắc màu văn hóa vùng cao tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ ngày 30-8 với chủ đề 'Vui Tết Độc lập'.

Những thiếu nữ Lô Lô ở Mèo Vạc, Hà Giang.

Những thiếu nữ Lô Lô ở Mèo Vạc, Hà Giang.

Các hoạt động điểm nhấn gồm Chợ vùng cao với chủ đề “Về miền cao nguyên đá” từ ngày 30-8 đến 2-9 tái hiện không gian chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày...; trình diễn múa trống của đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; Hội Vỗ Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

“Vỗ mông” là một phong tục văn hóa có từ lâu đời của đồng bào Mông trên cao nguyên đá huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang… Khi đôi trai gái người Mông hẹn hò, từng tốp nam nữ rủ nhau ra một bãi đất trống nói chuyện và tìm đối tượng của mình. Khi hai ánh mắt đã chạm nhau, cô gái e thẹn tách dần ra khỏi đám đông và ra tín hiệu cho chàng trai biết. Chàng trai ngay lập tức tiến lại gần, dùng tay vỗ vào mông cô gái và thả lời tỏ tình. Nếu cô gái thấy “ưng cái bụng” thì mạnh dạn vỗ lại vào mông chàng trai và đáp lời tế nhị. Cứ thế cho đến khi vỗ đủ chín cặp tức 18 cái qua lại thì xem như hai bên đã chấp thuận nhau, chờ người mai mối để thành vợ thành chồng. Nếu ngày hôm trước vỗ chưa đủ chín cặp thì ngày hôm sau gặp nhau lại vỗ tiếp.

Ngoài ra tại Làng còn có các chương trình dân ca dân vũ “Vui Tết độc lập” của cộng đồng các dân tộc giới thiệu các chương trình văn nghệ dân gian truyền thống như múa trống, múa khăn, múa nón, múa sạp...của các dân tộc huyện Mèo Vạc; tái hiện lễ Rửa làng của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Lễ rửa làng bắt nguồn từ một sự tích một năm bao giờ cũng có cái may và cái rủi. Sau vụ mùa thu hoạch du thắng lợi hay thất bát, đồng bào Lô Lô vẫn làm lễ rửa làng cho sạch sẽ, khang trang. Lễ này theo quan niệm của đồng bào là giúp cho mưa thuận gió hòa, năm đó được mùa, an tâm làm ăn.

Sau nghi thức độc đáo theo đúng truyền thống của dân bản sẽ là phần hội đặc sắc với điệu nhảy trên cây, múa kiếm, nhảy theo tiếng trống đồng…

Bên cạnh đó, người dân đến vui chơi tại Làng dịp Quốc khánh còn được thưởng thức chương trình rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam, diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên “Tiếng gọi đại ngàn”….

KHÁNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41403602-kham-pha-van-hoa-vung-cao-tai-lang-van-hoa-%E2%80%93-du-lich-cac-dan-toc.html