Khẩn trương chống hạn, giảm thiệt hại

Bơm nước từ đập Tam Giang (huyện Tuy An) để chống hạn. Ảnh: ANH NGỌC

Hiện đang bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và xâm nhập mặn chưa xảy ra nghiêm trọng, tuy nhiên theo dự báo thì tình trạng nắng hạn năm nay diễn biến rất phức tạp. Để chủ động, Sở NN-PTNT và các địa phương đang triển khai phương án ứng phó, nhất là giải pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Nắng nóng có thể kéo dài

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ tháng 1-5/2021, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Về thủy văn (mực nước), từ tháng 2-6/2021, dòng chảy trên các sông sẽ giảm dần ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ vào những tháng giữa năm 2021.

Còn theo Sở NN-PTNT, nhìn chung tình hình nguồn nước trữ tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo phục vụ tưới nước sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Tuy nhiên, do nắng nóng tiếp tục kéo dài nên cần chủ động nguồn nước tưới cho vụ hè thu 2021, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ xa khu tưới và chủ động nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho dân.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Qua theo dõi diễn biến thời tiết và dự báo có khả năng nắng hạn kéo dài, trong năm 2021 trên địa bàn huyện sẽ xảy ra khô hạn thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 634 hộ dân ở 8 xã. Đối với sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân 2020-2021, toàn huyện gieo sạ khoảng 1.650ha lúa, nếu không có mưa, nguồn nước không được cải thiện, dự kiến tưới chống hạn cho cây lúa khoảng 130ha.

Riêng vụ hè thu 2021, dự kiến toàn huyện gieo sạ khoảng 1.350ha lúa, nếu lượng mưa tiểu mãn ít hoặc không có mưa thì khả năng tưới được khoảng 1.020ha, nên địa phương đã chuyển 220ha đất trồng lúa sang cây trồng khác, diện tích cắt giảm không gieo sạ khoảng 110ha.

Đối với huyện Sơn Hòa, những năm gần đây, hạn hán thường xảy ra ở giai đoạn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu hàng năm. Dự báo năm nay diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện này có khả năng bị ảnh hưởng là hơn 3.500ha sắn, hơn 5.000ha mía, khoảng 380ha lúa và hơn 800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt…

Tại TX Sông Cầu, vụ đông xuân 2020-2021, trên địa bàn thị xã có khoảng 900ha đất trồng lúa và chuyển 50ha đất trồng lúa có khả năng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn. Đối với vụ hè thu, trên địa bàn thị xã có khoảng 300ha lúa đảm bảo nước tưới, địa phương chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn khác khoảng 200ha.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Đối với nước sinh hoạt, do nắng nóng kéo dài, các nguồn nước cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, các giếng nước sinh hoạt khô cạn hoặc nhiễm mặn. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, trên địa bàn thị xã có khả năng thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 2.000 hộ dân, nhất là ở vùng núi và vùng ven biển.

Đối với huyện Tuy An, trong năm 2019, trên cơ sở nguồn kinh phí chống hạn của tỉnh phân bổ cho huyện, UBND huyện này đã phân bổ cho các xã để đào, khoan giếng, xây dựng các công trình dẫn nước… góp phần giải quyết hiệu quả nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong 3 tháng trở lại đây, lượng mưa trên địa bàn huyện rất ít, các nguồn nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trong điều kiện nắng hạn.

Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, trên địa bàn huyện sẽ có 4.430 hộ ở 9 xã thiếu nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc. Còn đối với sản xuất nông nghiệp, theo kế hoạch, diện tích lúa vụ hè thu 2021 trên địa bàn huyện gieo sạ khoảng 2.190ha, nếu nắng hạn kéo dài có khả năng khoảng 580ha lúa bị thiếu nước tưới.

Chủ động phương án ứng phó

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương chủ động tổ chức vận hành, tăng ca điều tiết nước tưới luân phiên và vận hành có khoa học đảm bảo tưới tiêu tiết kiệm nước ở các công trình thủy lợi.

Thi công đường ống nước công trình cấp nước tập trung ở xã Suối Trai và xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị vận hành công trình thủy lợi đảm bảo trữ lượng và cao trình mực nước tại khu vực đầu mối các công trình trạm bơm điện, tăng thời gian bơm, vận động người dân cùng tham gia chống hạn. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt, thực hiện duy tu, cải tạo các hạng mục công trình để hạn chế thất thoát lãng phí nguồn nước và đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt trong các khu dân cư. Dự kiến nhu cầu kinh phí chống hạn năm 2021 trên địa bàn huyện Sơn Hòa hơn 2 tỉ đồng.

Ông Phạm Trung Chánh thì cho hay, huyện Đồng Xuân đã chỉ đạo các địa phương khảo sát lại các hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nếu có sự cố hư hỏng tiến hành khắc phục, sửa chữa ngay, đồng thời rà soát lại các giếng nước trong dân để vận động bà con tập trung nạo vét, đào sâu giếng và đào thêm giếng mới tập trung ở các khu vực có nguồn nước ngầm để sử dụng chung.

Đối với những khu vực bị cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt, huyện đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng phương án mua và vận chuyển nước từ nơi khác đến nơi bị thiếu nước, cấp trực tiếp cho người dân. Dự kiến nhu cầu kinh phí chống hạn cho năm 2021 trên địa bàn huyện Đồng Xuân khoảng 3,4 tỉ đồng.

Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT), báo cáo từ các địa phương đến thời điểm hiện nay, chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, theo dự báo năm nay tình trạng nắng hạn diễn biến khó lường nên các địa phương và người dân cần chủ động ứng phó.

Đối với công trình cấp nước tập trung xã Suối Trai và xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến cuối tháng 3/2021 bắt đầu vận thành thử nghiệm và sẽ cung cấp nước cho khoảng 10-12 điểm tập trung để người dân sử dụng trong mùa khô này. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành vào cuối tháng 6/2021.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Các địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp.

Các đơn vị, địa phương chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách đơn vị, địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có hiệu quả.

Các địa phương cần có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ dân ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; trường hợp cấp bách không còn nguồn nước cho sinh hoạt, cần sử dụng phương tiện chở cấp nước đến từng cụm dân cư, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Sở Tài chính sớm phối hợp với Sở NN-PTNT kịp thời tham mưu, đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn năm 2021 cho các địa phương.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253645/khan-truong-chong-han-giam-thiet-hai.html