Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch phát triển nhân lực

Chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các Bộ, ngành, địa phương là một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với sự phát triển bền vững của đất nước cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp về quy hoạch phát triển nhân lực cho các bộ, ngành, địa phương - Ảnh Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp về quy hoạch phát triển nhân lực cho các bộ, ngành, địa phương - Ảnh Chinhphu.vn

Chiều 23/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành để bàn về quy hoạch phát triển nhân lực cho các Bộ, ngành và địa phương từ nay đến 2020.

Phó Thủ tướng cho rằng thực trạng lao động của Việt Nam hiện đang bộc lộ sự mất cân đối, cần phải rà soát và tổng hợp lại trên cơ sở đánh giá của chính các Bộ, ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì biên soạn hướng dẫn quy hoạch nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ trước 31/7/2010.

Trước đó, lấy ý kiến của các Bộ Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công Thương để hoàn chỉnh nhu cầu tổng thể lao động và chuyên môn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, liên hệ với các địa phương để đảm bảo cuối tháng 11/2010, Chính phủ có thể công bố được bức tranh toàn cảnh về nhu cầu nhân lực của toàn bộ các bộ, ngành và địa phương.

“Có thể tổ chức thí điểm tại một số Bộ, ngành và địa phương, từ đó các Bộ, ngành và địa phương khác soi chiếu để sớm hoàn chỉnh nhu cầu nhân lực thực sự của ngành, địa phương mình trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau về nhận thức, năng lực đội ngũ cán bộ, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, thời gian qua, việc quy hoạch nguồn nhân lực ở các Bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tính đến năm 2010, cả nước có lực lượng lao động khá hùng hậu với trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng nhiều lao động thiếu kỹ năng.

Bất cập này đã đặt ra yêu cầu cấp bách của việc phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Từ Lương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/khan-truong-hoan-thien-quy-hoach-phat-trien-nhan-luc/20106/32764.vgp