Khẩn trương khắc phục tình trạng 'hà bá' ngoạm bờ sông Quảng Huế

UBND huyện Đại Lộc (Quảng nam) đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh sớm có kế hoạch kiểm tra và có hướng chỉ đạo xử lý khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An.

Chiều 20/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa nhận được báo cáo của UBND huyện Đại Lộc về tình hình sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc (Báo CAND đã phản ánh).

Bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Văn phòng UBND tỉnh đã đề nghị các Sở KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét, tham mưu giải quyết đề nghị của UBND huyện Đại Lộc.

Theo UBND huyện Đại Lộc, mùa mưa lũ năm 2020, do ảnh hưởng của đập tạm trên sông Quảng Huế đã tạo ra dòng xoáy gây sạt lở bờ kè chỉnh trị sông Quảng Huế thuộc thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, làm sạt lở cuốn trôi bờ kè dài khoảng 300m và lấn sâu vào bờ hơn 50m và tiếp tục sạt lở trong mùa lũ năm 2021, gây ảnh hưởng đến 1,5ha đất sản xuất và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân và công trình điện trung thế.

Năm 2022, sau các đợt mưa lũ do cơn bão số 4, số 5 vừa qua, nước lũ tiếp tục làm sạt lở lấn sâu vào bờ với mức độ sạt lở tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng làm cuốn trôi hơn 3ha đất sản xuất nông nghiệp và uy hiếp đến các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Ngày 18/10, UBND huyện Đại Lộc đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo UBND xã Đại An, Ban nhân dân thôn Phú Nghĩa thực hiện phương án sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với khoảng 33 nhân khẩu và những tài sản có giá trị ngay trong đêm 18/10 đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Hiện nay, tốc độ xâm thực ước tính mỗi ngày từ 3-5m, và 2 trụ điện trung thế cách mép nước 5m có nguy cơ sụt ngã đổ sẽ gây thiệt hại về tài sản và làm ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc.

Sáng 19/10, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc tiếp tục cùng các ngành chuyên môn và địa phương kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án xử lý khắc phục tạm thời; theo đó giao Ban Quản lý dự án và Trật tự xây dựng huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Đại An huy động các trang thiết bị, dụng cụ và 200 chiến sĩ dân quân tự vệ cùng với người dân tiến hành vận chuyển các bao tải cát dùng để tạo thành chân móng, liên kết bằng cọc tre và gia cố mái bằng bao cát hoặc vải địa kỹ thuật xếp lớp để giữ mái chống xói lở tạm thời.

"Với thực trạng sạt lở và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tại khu vực bờ sông Quảng Huế, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân thôn Phú Nghĩa, xã Đại An thì cần phải khẩn trương khảo sát, có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để tình trạng trên về lâu dà", lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc lo ngại và đề xuất.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/khan-truong-khac-phuc-tinh-trang-ha-ba-ngoam-bo-song-quang-hue-i671584/