Khẩn trương 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng để xác thực hộ chiếu vaccine

Theo công văn được Bộ Y tế ban hành mới đây, quy định quy trình 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng phải được hoàn thành trước ngày 1.6.2022. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Bá Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại, việc xác thực dữ liệu thông tin ở các địa phương đang tiến triển khá chậm và nếu không vào cuộc quyết liệt sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Thưa ông, việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 hiện đang tiến triển như thế nào? Liệu có thể thực hiện đúng tiến độ như trong công văn 2262 Bộ Y tế đã ban hành?

- Sau hơn 1 tháng tiến hành "làm sạch" dữ liệu mũi tiêm, tính đến 17.5, đã có 15 triệu hộ chiếu vaccine trên PC-COVID 19. Thế nhưng tiến độ này vẫn còn khá chậm để có thể hoàn thành đúng thời gian dự kiến. Cả nước hiện đã tiêm tiêm hơn 212 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân theo hướng dẫn nhưng vẫn còn 9 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, hơn 18 triệu mũi tên còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.

Ths. Nguyễn Bá Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế)

Ths. Nguyễn Bá Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế)

Quy trình cấp hộ chiếu vaccine cho người dân gồm ba bước. Thứ nhất, cơ sở tiêm chủng triển khai rà soát, xác minh thông tin người tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng. Thứ hai, các cơ sở tiêm chủng ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Cuối cùng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine. Khi chưa nhận được dữ liệu ký số của cơ sở tiêm chủng thì Bộ Y tế chưa thể ký số tập trung để cấp hộ chiếu cho người dân.

Bộ Y tế đã tích cực đẩy mạnh việc rà soát, yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành phải nhanh chóng làm sạch dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 trước ngày 1.6. Có thế thì việc ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân mới sớm được hoàn thiện.

- Công tác triển khai “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Công tác triển khai cũng gặp một số khó khăn nhất định. Tại một số thành phố tập trung đông dân cư, trạm y tế cơ sở có trách nhiệm rà soát thông tin sai sót của người dân thường trú trên địa bàn với số lượng rất lớn. Đa phần các dữ liệu chưa bảo đảm hoàn toàn các yếu tố “đúng, đủ, sạch, sống” và không trùng khớp khi tiến hành đối sánh thông tin với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành. Nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác khi tiêm chủng Covid-19 nên còn tồn đọng tình trạng dữ liệu thiếu, chưa được cập nhật trên hệ thống.

Bên cạnh đó, tuy đã ban hành những văn bản hướng dẫn, phối hợp giữa các cấp, các ngành nhưng ở một số địa phương chỉ có ngành y tế thực hiện mà không có sự hỗ trợ của chính quyền và công an cơ sở. Hệ thống nhân lực “mỏng” kèm theo việc đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi nên chưa tập trung cho việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng.

-Vậy Bộ Y tế đã và đang có những biện pháp gì để thúc đẩy việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng công dân, thưa ông?

- Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo và đôn đốc các địa phương cập nhật và làm sạch dữ liệu tiêm chủng công dân đồng thời khẩn trương kiện toàn Tổ công tác 06 của Chính phủ theo đúng mô hình, hướng dẫn mà Trung ương đã ban hành. Các địa phương phải quán triệt nhiệm vụ của các Tổ công tác tại các cấp. Tổ công tác 06 là hình thức liên ngành nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, trong đó cốt lõi là cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Nếu các bộ, ngành, địa phương không nhận thức đầy đủ, xác định rõ tầm quan trọng của việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng và triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án 06 thì không đảm bảo đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao theo Đề án.

- Có ý kiến cho rằng việc liên thông dữ liệu, xác thực thông tin quá rườm rà. Hộ chiếu va viên cũng không còn cần thiết trong bối cảnh các nước đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Việc liên thông dữ liệu không những phục vụ dữ liệu về tiêm chủng Covid-19 mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về tương lai như: Góp phần quản lý sức khỏe toàn dân, đẩy nhanh tiến trình về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với ngành Y tế, khám bệnh, chữa bệnh không dùng giấy, sử dụng bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh… Việc xây dựng nền tảng dữ liệu này rất quan trọng, góp phần đẩy nhanh chuyển đối số với ngành Y tế, giúp người dân thuận tiện hơn khi tiếp cận các dịch vụ của ngành Y tế.

Hộ chiếu vặc cơn điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân và sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu ban hành. Đến nay, nhiều người dân vẫn lầm tưởng hộ chiếu vaccine là hộ chiếu giấy giống như các loại hộ chiếu xuất, nhập cảnh khác. Thực chất, hộ chiếu vaccine là hộ chiếu điện tử, chỉ hiển thị bằng mã QR. Việc cấp hộ chiếu vaccine là cần thiết để người dân thuận tiện cho việc nhập cảnh đến một số nước. Dù tình hình dịch bệnh hiện nay đã giảm, một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhưng không thể chắc chắn dịch bệnh có còn bùng phát hay không. Cho nên hộ chiếu vaccine vẫn còn cần thiết và cần tiếp tục triển khai.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/khan-truong-lam-sach-du-lieu-tiem-chung-de-xac-thuc-ho-chieu-vaccine-i289060/