Khẩn trương ổn định chỗ ở cho người dân bị mất nhà

Hàng trăm hộ dân đang phải ở nhờ, ở tạm tại nhà người thân, điểm trường, lán trại trong sự bí bách, chật chội và thiếu thốn. Có hộ dù vẫn được ở trong ngôi nhà của mình nhưng cũng ăn không ngon, ngủ không yên, nơm nớp nỗi lo đất đá ụp xuống. Khẩn trương sắp xếp, bố trí, ổn định chỗ ở cho người dân đang là mục tiêu cao nhất của tỉnh và các địa phương lúc này.

Mong có một chỗ ở an toàn

Trận lũ dữ đã qua đi nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Minh Quang, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) vẫn chưa thể ổn định lại cuộc sống. Mỗi lần trở về ngôi nhà là mỗi lần bà Luyến ứa nước mắt bởi bao công sức, tiền của tích cóp cả đời của ông, bà cùng sự trợ giúp của con cái mới cất được căn nhà. Vậy mà giờ đành nhìn nước sông cướp đi dần.

Lau những giọt nước mắt, bà Luyến bảo, ngôi nhà của bà dù vẫn còn hình hài nhưng không còn ở vị trí cũ mà đã bửa ra cả nửa mét, vách và nền nhà cũng chằng chịt vết nứt do nước lũ giằng xé và chực chờ lật xuống sông bất cứ lúc nào. Chẳng thể cứu vãn, vợ chồng bà cùng con cái đành phải chia nhau ra để đi ở nhờ anh em, người thân. Không có nhà khốn đốn trăm bề, cuộc sống hàng ngày của gia đình bà Luyến vẫn phải tạm thời trông chờ một phần vào sự cứu trợ của chính quyền và cộng đồng. Niềm mong mỏi lớn nhất lúc này là gia đình có được mảnh đất để dựng ngôi nhà để gia đình được đoàn tụ.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bản đồ quy hoạch khu dân cư thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bản đồ quy hoạch khu dân cư thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Cùng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa 38 hộ dân thuộc 2 xã Linh Phú, Tri Phú từ chỗ có nhà cửa sau trận lũ lại trở thành vô gia cư, phải “ăn nhờ ở đậu”. Anh Lý Văn Día, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú chia sẻ: Mất nhà, gia đình anh và 6 hộ khác với 40 nhân khẩu cùng cảnh ngộ phải sống tạm trong nhà văn hóa thôn. Dù xã đã cơi nới lợp thêm tấm lợp ra hè để có thêm không gian cho bà con nhưng đông người phải sống trong không gian chật hẹp nên rất bí bách. Mất nhà, ruộng nương cũng bị lũ vùi lấp cả nên chẳng còn cách nào khác gia đình anh Día và nhiều hộ dân trong thôn Pác Hóp phải nương tựa, nhờ cậy vào cộng đồng, chính quyền xã, huyện. Mong muốn lớn nhất của anh Día lúc này là sớm có đất ở để anh dựng tạm căn nhà, ổn định đời sống, tự lo được cho bản thân và gia đình mình.

Như nhiều hộ dân ở Yên Lập, Tri Phú, Linh Phú (Chiêm Hóa), cả tháng nay, 18 hộ dân thuộc Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) cũng sống trong cảnh ở tạm, ở bợ. Ông Nông Xuân Tịnh bảo: “Nhà vẫn còn đấy! Nhưng không biết đất đá vùi lấp lúc nào đâu! Nên ông và bà con trong thôn cứ tối phải di chuyển ra lán ở, ngày trở về nhưng hễ cứ có tiếng động là lại hô nhau chạy”. Theo lời ông Tịnh, ở trong sự bất an nên gia đình ông và bà con trong thôn cũng không thể yên tâm làm ăn.

Đồng chí Nông Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Hiện nay xã đã lên phương án đề xuất với UBND huyện trưng dụng quỹ đất của điểm trường tiểu học để sắp xếp bố trí, ổn định chỗ ở cho 18 hộ dân này. Chỉ chờ huyện, tỉnh nhất trí là triển khai ngay để bà con sớm ổn định chỗ ở.

Tập trung lo chỗ ở cho người dân mất nhà

Trong cuộc họp về phương án triển khai thực hiện các dự án khẩn cấp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai sau cơn bão số 3 của UBND tỉnh ngày 22-10, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: việc triển khai thực hiện các dự án khẩn cấp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai sau cơn bão số 3 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm sớm ổn định tình hình, đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Mục tiêu đặt ra là: Tuyệt đối không để người dân không có chỗ ở, bị đói, rét. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các huyện nắm chắc nguy cơ thiếu đói để trợ cấp gạo cho người dân kịp thời. Song song với đó, ưu tiên số 1 là bố trí chỗ ở, đảm bảo đến ngày 31-12-2024 phải giao được đất cho các hộ dân, các hộ dân phải có nhà ở đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trước Tết Nguyên đán.

Người dân thôn Nà Ngận, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) đã tìm được mặt bằng an toàn để dựng lại nhà ở.

Người dân thôn Nà Ngận, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) đã tìm được mặt bằng an toàn để dựng lại nhà ở.

Phương án xây dựng 7 khu tái định cư đã được tỉnh thống nhất: Đó là khu tái định cư thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang); khu tái định cư thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); khu tái định cư Nà Ngận, xã Yên Lập; khu dân cư Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa); khu tái định cư Đán Khao, xã Chiêu Yên và khu tái định cư thôn Bản Pình, xã Trung Minh (Yên Sơn) và khu tái định cư thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa khẳng định: Mặt bằng để tái định cư cho 17 hộ dân của xã Yên Lập đã được lựa chọn, xa khu vực sạt lở, đảm bảo ổn định dân cư bền vững. Ngay trong cuối tháng 10 huyện sẽ tiến hành các thủ tục, san lấp mặt bằng để bố trí chỗ ở cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Tại xã Sơn Phú phương án trưng dụng mặt bằng của điểm trường cũng đã được tỉnh, huyện đồng thuận. Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện sẽ lựa chọn đơn vị thi công đủ năng lực để hạ cos, san lấp, mở rộng thêm mặt bằng đảm bảo bố trí đủ đất cho 18 hộ dân nằm trong diện cấp bách phải di chuyển.

Đồng chí Nguyễn Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Ngành sẽ đồng hành cùng các huyện để hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị được giao bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai đã tham mưu cho tỉnh để sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách dự phòng của tỉnh; quỹ phòng chống thiên tai và nguồn huy động của các địa phương để hỗ trợ người dân làm nhà ở.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và sự khẩn trương lập các phương án di dân của các huyện, người dân bị mất nhà do thiên tai chắc chắn sẽ sớm ổn định được chỗ ở để an cư lạc nghiệp.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khan-truong-on-dinh-cho-o-cho-nguoi-dan-bi-mat-nha-201147.html