Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho NLĐ tại Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp). Ảnh: NGỌC HÂN

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư này, nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Trước tình hình này, tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp (DN) tăng cường tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp phòng dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động (NLĐ) và ổn định sản xuất.

Hướng đến mô hình “3 tại chỗ”

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến nay đã có 22 trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Do diễn biến dịch phức tạp, nhiều DN đã chủ động nâng cấp phương án phòng chống dịch từ hình thức tổng quan sang chi tiết, với nhiều giải pháp ứng phó cụ thể. Mục đích là để có thể ứng phó kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi triển khai khi có sự cố xảy ra.

Tại Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp), để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch, đơn vị khuyến khích công nhân viên làm việc và ở lại công ty. Ông Phan Văn Lai, Chủ tịch CĐCS công ty này, cho biết: “Công ty bố trí miễn phí chỗ ở và lo ăn ngày 3 bữa đầy đủ cho NLĐ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và test PCR cho toàn bộ NLĐ làm việc tại nhà máy. Hoạt động này được thực hiện luân phiên hàng tuần và 100% NLĐ đã được kiểm tra”.

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (KCN Đông Bắc Sông Cầu) cho hay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công ty đã xây dựng các phương án phòng chống dịch với từng tình huống cụ thể. Nếu có các trường hợp F0, F1, F2... tại công ty thì công tác triển khai sàng lọc, khử khuẩn và đưa người đi cách ly cũng được thực hiện nhanh chóng thuận tiện.

“Hiện công ty chia làm 3 nhóm: NLĐ trong vùng dịch thì cho nghỉ hẳn; vùng giáp ranh thì trên tinh thần tự nguyện của công nhân, công ty sẽ bố trí ở lại làm việc tại chỗ; vùng an toàn thì đưa đón bình thường. Với kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và thiệt hại rất lớn vì đơn hàng nhiều không làm kịp, chi phí tăng cao do thiếu công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chấp thuận thực hiện để cùng chính quyền hạn chế lây lan dịch bệnh”, ông Hòa nói.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, hiện nhiều DN hướng đến mô hình “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, mô hình này hơi khó áp dụng, công nhân chưa đồng ý, do đa phần NLĐ là địa phương nên họ không thể ở lại vì còn vướng bận gia đình… Ban quản lý đang phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn DN thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định khi thực hiện phương án bố trí nơi lưu trú tại chỗ cho NLĐ. Trong đó chú ý đến việc sàng lọc và chia theo từng nhóm F1, F2 để tránh lây nhiễm chéo khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Tập trung bảo vệ người lao động

Ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều văn bản đến các cấp công đoàn và DN tăng cường tuyên truyền để công nhân nắm bắt nhanh thông tin về dịch bệnh hàng ngày; chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp DN kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất với tinh thần quyết liệt hơn nhằm chủ động ứng phó, xử lý khi có NLĐ mắc COVID-19; đồng thời quan tâm chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân, cải thiện môi trường làm việc nhằm đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các cấp công đoàn còn khuyến khích DN và NLĐ chủ động, bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, các DN đều thực hiện các hình thức phòng dịch tốt như: áp dụng phần mềm khai báo y tế bằng việc quét mã QR; thành lập ban, tổ phòng, chống dịch tại DN; kiểm tra nghiêm ngặt việc trang bị khẩu trang và vệ sinh nhà xưởng, khử khuẩn thường xuyên…

Để phòng dịch bệnh cho NLĐ, nhiều DN trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Hùng Ban, Công ty TNHH Nguyên Thông, Công ty CP An Hưng… sẵn sàng chi tiền đăng ký mua vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho 100% công nhân. Ông Phan Đình Hồng, Chủ tịch CĐCS Công ty CP An Hưng bày tỏ: “Công ty đã gửi văn bản đến Ban quản lý Khu kinh tế và Sở Y tế tỉnh đăng ký mua vắc xin phòng COVID-19 và mong sẽ sớm có vắc xin để tiêm phòng cho công nhân viên. Việc này thể hiện sự quan tâm của DN đối với NLĐ, qua đó NLĐ sẽ có sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe để làm việc tốt hơn, an tâm gắn bó với công ty…”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, các DN đã đăng ký tiêm vắc xin cho 8.100/9.500 NLĐ, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của chủ DN đến việc bảo vệ sức khỏe NLĐ. “Trong khi chờ đợi thông tin về nguồn vắc xin chính thức, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các DN phải tự triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hàng tuần cho toàn bộ NLĐ; nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch”, ông Phúc nói.

Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh… phải tự triển khai test nhanh kháng nguyên định kỳ 5-7 ngày/lần cho NLĐ và các đối tượng liên quan. Nếu có kết quả dương tính thì báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế địa phương để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR…

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261177/khan-truong-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-trong-doanh-nghiep.html