Khẩn trương tổng hợp thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng trong Báo cáo tài chính nhà nước
Thông tin tài sản kết cấu hạ tầng chiếm một phần đáng kể trong báo cáo tài chính nhà nước. Tuy nhiên, hiện thông tin này trong báo cáo chưa được cập nhất đầy đủ. Do đó, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đang kiến nghị các đơn vị được giao quản lý loại tài sản này cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công làm cơ sở xây dựng báo cáo tài chính nhà nước hoàn chỉnh.
Thông tin còn thiếu
Thực hiện Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước, từ năm 2018, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã xây dựng báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) trên phạm vi toàn quốc hàng năm để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Tài sản nhà nước được tổng hợp trong BCTCNN bao gồm toàn bộ tài sản nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị nắm giữ, quản lý và sử dụng theo quy định bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền; các khoản phải thu; hàng tồn kho; đầu tư tài chính; cho vay; tài sản cố định hữu hình; xây dựng cơ bản dở dang; tài sản cố định vô hình; tài sản khác.
Theo Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập BCTCNN, Cục Quản lý công sản thực hiện báo cáo thông tin về tài sản trong BCTCNN liên quan đến tài sản công theo từng địa bàn (trung ương, tỉnh, huyện, xã) được theo dõi, quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản công.
Tuy nhiên, theo tổng hợp từ Cục Quản lý công sản, hiện các thông tin về 5 loại tài sản kết cấu hạ tầng (hàng không, hàng hải, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa, hạ tầng thủy lợi) chưa được cập nhật đầy đủ trong CSDLQG về tài sản công là do tài sản được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, có số lượng lớn, phạm vi rộng nên hồ sơ theo dõi về tài sản của đơn vị được giao quản lý, sử dụng chưa đầy đủ thông tin, nhiều chỉ tiêu chưa được phản ánh, theo dõi trên sổ kế toán.
BCTCNN hàng năm có nhiều lĩnh vực cần báo cáo. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các các bộ, cơ quan trung ương, tại địa phương cũng như sự phối hợp của các sở ngành, liên quan. Do đó, Cục Quản lý công sản đã đề nghị Kho bạc Nhà nước nghiên cứu bổ sung quy định mỗi bộ, ngành, địa phương cần phải ban hành Quy chế phối hợp về việc xây dựng BCTCNN thuộc phạm vi quản lý, trong đó quy định trách nhiệm vụ thể của từng cơ quan, đơn vị có liên quan.
Nhưng, nguyên nhân chính vẫn là ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao, chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức trong việc hạch toán, tổng hợp và chế độ báo cáo tài sản hàng năm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho việc quản lý tài sản nói chung và cho công tác tổng hợp thông tin, kê khai báo cáo còn thiếu...
Đáng chú ý, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác cũng như chế độ báo cáo đối với 5 loại tài sản kết cấu hạ tầng này. Tuy nhiên đến nay, các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản và thực hiện việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản; chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật tài sản và chưa thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước.
Ngoài ra, đối với tài sản kết cấu hạ tầng là đê điều, hạ tầng đô thị... hiện chưa có cơ chế, chính sách quy định chế độ quản lý, sử dụng và khai thác. Vì vậy, chưa có số liệu về hiện vật và giá trị tài sản để tổng hợp vào BCTCNN…
Nhanh chóng cập nhật thông tin tài sản công theo quy định
Để hoàn thiện BCTCNN, Kho bạc Nhà nước, Cục Quản lý công sản đều đã đưa ra các giải pháp cụ thể.
Các thông tin tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy cần nhanh chóng cập nhật trong BCTCNN. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết hiện Bộ Tài chính đã triển khai phần mềm quản lý tài sản công cho các bộ, ngành, địa phương. Do đó, Cục Quản lý công sản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý tài sản có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời số liệu về tài sản cũng như biến động về tài sản vào cơ sở dữ liệu.
Để chất lượng BCTCNN ngày càng tốt hơn, Cục Quản lý công sản cũng đề nghị có chương trình đào tạo, tập huấn hướng dẫn việc xây dựng BCTCNN hàng năm cho cơ quan có liên quan; tăng cường nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế liên quan đến công tác hạch toán, xác định giá trị tài sản tổng hợp của các loại tài sản trong BCTCNN; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hạch toán, theo dõi, cung cấp thông tin về tài sản khi xây dựng BCTCNN.
Cơ quan được giao quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu và báo cáo kịp thời về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng quy định.
Đơn vị dự toán cấp I, Kho bạc Nhà nước địa phương kịp thời có văn bản hướng dẫn việc tổng hợp dữ liệu về tài sản trong BCTCNN hàng năm theo quy định.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung, ông Thịnh cho biết, Cục Quản lý công sản đã đề nghị các đơn vị được giao quản lý loại tài sản này thực hiện kế toán tổng hợp trên cơ sở kế toán chi tiết của các cơ quan đơn vị được phân cấp thực hiện công tác kế toán theo quy định; thực hiện rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện cập nhật vào CSDLQG về tài sản công.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị lập báo cáo cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 39/2021/TT-BTC hướng dẫn lập BCTCNN. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước đôn đốc các đơn vị lập BCTCNN hàng năm theo quy định.
Đối với các loại tài sản chưa có trong cơ sở dữ liệu như: tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông: đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh thực hiện tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản (gửi bản giấy) về Kho bạc Nhà nước trung ương để tổng hợp số liệu.
Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải) xây dựng Cơ sở dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ để tổng hợp số liệu phục vụ BCTCNN theo quy định.