Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống hạn

Nắng hạn kéo dài, gió Tây Nam thổi mạnh khiến quá trình bốc hơi nước nhanh đã làm cho lượng nước hiện còn lại trong các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ở mức rất thấp. Thực trạng lượng nước trong hồ, đập cạn kiệt do nắng hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2019. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn ông LÊ VĂN TRƯỜNG, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị.

 Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp với các địa phương nạo vét kênh mương chống hạn. Ảnh: LT

Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp với các địa phương nạo vét kênh mương chống hạn. Ảnh: LT

- Thưa ông! Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Trị liên tục có những đợt nắng nóng kéo dài, đề nghị ông cho biết diễn biến hạn hán đã ảnh hưởng như thế nào đến lượng nước ở các hồ, đập trên địa bàn?

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình trạng nắng nóng gay gắt xảy ra liên tục. Cùng với nền nhiệt độ cao kéo dài và gió Tây Nam thổi mạnh làm cho lượng nước bốc hơi rất nhanh, mực nước các hồ đập, sông ngòi sụt giảm mạnh so với cùng kì những năm trước. Tính đến ngày 24/6/2019 lượng nước ở các hồ đập còn lại chỉ đạt bình quân 36,77% so với dung tích thiết kế; đặc biệt một số hồ chứa lớn chỉ đạt dưới 30% so với thiết kế như: Hồ Trúc Kinh 27,7%; hồ La Ngà 26,6%, hồ Tân Kim 19,9%... Các sông ngòi mực nước cũng suy giảm nhanh cụ thể như: sông Hiếu mực nước tại bể hút trạm bơm Cam Lộ xuống dưới cao trình 0,40 m; sông Sa Lung mực nước tại đầu mối + 4,90 m (đủ nước tưới + 5,2 m); sông Cánh Hòm mực nước hiện tại - 0,7 m (đủ nước tưới + 0,4 m).

- Vậy trước tình hình hạn hán diễn ra phức tạp như hiện này thì việc cấp nước tưới cho vụ sản xuất hè thu năm 2019 được đơn vị triển khai như thế nào?

- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa các tháng đầu năm 2019 tại các hồ đập do Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị vận hành đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 16-30%. Vì vậy, bước vào vụ hè thu năm 2019 lượng nước các hồ đập chỉ trữ đạt bình quân 58,2% so với thiết kế, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kì 12 triệu m3 nước.

Thực hiện Văn bản chỉ đạo số 688/SNN-TL ngày 8/5/2019 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu năm 2019, để đảm bảo cho việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ hè thu, công ty đã chủ động lập phương án chống hạn và phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị triển khai công tác chống hạn ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân 2018-2019. Từ đầu vụ hè thu với nguồn lực hiện có, công ty đã triển khai thực hiện đảm bảo một số nội dung phương án chống hạn đã lập. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích vụ hè thu năm 2019 theo kế hoạch UBND tỉnh giao là 16.239,8 ha đã được gieo cấy đúng thời vụ. Đến nay, lúa vụ hè thu đang trong thời kì tưới để tỉa dặm. Tuy đã thực hiện quyết liệt các giải pháp chống hạn nhưng do các hồ thiếu hụt nguồn nước, nhất là ở sông Sa Lung, sông Cánh Hòm, sông Vĩnh Phước... mực nước sụt giảm nhanh; bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, nước thấm, bốc hơi nhiều; mức tưới tăng cao nên đến nay tại một số hệ thống những vùng cuối nguồn, vùng khó tưới, vùng nguồn nước thiếu hụt đã xảy ra khô hạn với diện tích bị hạn gần 870 ha.

- Ứng phó với tình hình hạn hán trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị có giải pháp gì để hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất vụ hè thu này, thưa ông?

- Trước tình hình nắng hạn đang diễn biến bất lợi như trên, mực nước ở các hồ đập, sông suối sụt giảm nhanh, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất từ nay đến cuối vụ hè thu sẽ rất cao. Dự báo, nguồn nước sông Cánh Hòm, đập Sa Lung tuần tới không đủ để tưới. Vì vậy, đơn vị đang khẩn trương phối hợp các địa phương triển khai các giải pháp chống hạn.

Biện pháp ưu tiên nhất hiện nay là tưới tiết kiệm nước. Công ty quán triệt tổ chức cấp nước theo kế hoạch dùng nước đã lập. Tổ chức tưới luân phiên cho các kênh, từ kênh cấp 1 trở xuống. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tưới cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết và tình hình nguồn nước. Áp dụng chế độ tưới nông - lộ - phơi, kết hợp cắt, giảm các đợt tưới hợp lí để tiết kiệm nước. Ưu tiên nước để tưới cho giai đoạn lúa làm đòng và lúa trổ. Bên cạnh đó, đơn vị đang thắt chặt các biện pháp quản lí đó là: Tập trung nguồn lực bao gồm cán bộ kĩ thuật, công nhân quản lí thủy nông trong toàn công ty, tổ chức túc trực ngày đêm để bảo vệ an toàn công trình và quản lí nước, điều phối nước theo đúng kế hoạch phân phối nước. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua chống hạn, quản lí điều tiết nước tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát nước. Các đơn vị thủy nông tích cực bám sát địa bàn tưới tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước có hiệu quả và tưới tiết kiệm hợp lí. Vận động nhân dân thường xuyên thăm đồng be bờ giữ nước, xử lí mội, chống rò rỉ thất thoát nước.

Định kì 1 tuần hoặc 2 tuần các cụm tổ chức trực báo mời các hợp tác xã (HTX) tham dự để thông báo rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố về dung tích nước các hồ đập, để tạo sự đồng thuận trong việc tiết kiệm nước tưới. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lí chặt chẽ các đập ngăn mặn, tổ chức quan trắc đo mặn theo quy định. Tuyệt đối không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng, tạo nguồn để cho các trạm bơm ven sông hoạt động. Thường xuyên tổ chức ra quân làm công tác thủy lợi: tu bổ, nạo vét, vệ sinh kênh mương từ kênh chính đến kênh nội đồng để đảm bảo luôn thông dòng chảy, giảm tổn thất nước, nâng cao khả năng dẫn nước, giảm thời gian tưới. Tập trung nạo vét các sông hói, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt cho các trạm bơm. Tổ chức các HTX lập kế hoạch khoanh vùng bơm, đắp các đập nội đồng, đắp bờ bao, bờ vùng để trữ nước; đắp chặn các kênh tiêu, các khe suối để tận dụng nước hồi quy lắp đặt các trạm bơm nhỏ lẻ bơm tưới hỗ trợ. Sử dụng dung tích chết các hồ chứa và nạo vét cửa vào các cống đầu mối, bố trí lắp đặt các trạm bơm điện để tận dụng phần dung tích chết của hồ bơm tưới cho giai đoạn cuối vụ hè thu khi mực nước các hồ cạn kiệt. Phối hợp với ngành điện để ưu tiên điện cho công tác chống hạn có hiệu quả, tránh tình trạng cắt điện nhiều lần trong ngày. Thông báo với các địa phương chuẩn bị các phương tiện máy bơm, gàu, guồng… để huy động chống hạn.

Đối với các hệ thống thiếu nước trầm trọng, tổ chức cho đắp chặn các sông suối, các đập nội đồng và nạo vét các trục tiêu để tận dụng lượng nước hồi quy bơm tưới hỗ trợ. Nạo vét khơi thông kênh dẫn cửa vào các trạm bơm. Những vùng có nguồn nước nội đồng, nước hồi quy khoanh vùng cho các HTX đặt máy bơm tưới (không tưới nước hồ). Nước hồ ưu tiên tưới cho những vùng cuối kênh, vùng khó tưới, vùng không có nguồn nước bơm. Riêng nước các hồ Hà Thượng, Trúc Kinh, Kinh Môn điều tiết xả bổ sung nước cho sông Cánh Hòm. Hồ Ái Tử điều tiết xả bổ sung nước cho sông Vĩnh Phước…

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140337