Khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Sáng 1-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão.

Tham dự cuộc họp trực tuyến có đại diện các bộ, ngành liên quan và 21 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 10h ngày 1-8, áp thấp nhiệt đới di chuyển và nằm trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10h ngày 2-8, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh phía Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sau thời gian trên, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới...

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão nên từ sáng sớm 2-8, trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng có gió giật cấp 6-7.

Trên đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ từ chiều nay (1-8) đến ngày 5-8 xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi cao hơn 400 mm/đợt... Trong đó, khu vực thành phố Hà Nội từ nay đến ngày 5-8 xảy ra mưa, mưa rào và dông; riêng từ chiều nay đến ngày 3-8 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt...

Về tình hình hồ chứa, Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện nay, mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi khu vực Bắc Bộ đều ở dưới mực nước cho phép từ 0,8-18,07m... Tuy nhiên, đáng lo ngại, trên địa bàn cả nước có 204 hồ chứa hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 81 hồ thủy lợi hư hỏng, 41 hồ đang thi công; Bắc Trung Bộ có 53 hồ chứa hư hỏng...

Liên quan công trình chống lũ, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 221 vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; trong đó, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có 200 vị trí, khu vực Bắc Trung Bộ có 21 vị trí.

Khẩn trương ứng phó

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng 46.185 tàu, thuyền hoạt động trên biển di chuyển, thoát khỏi khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão... Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động 487.000 cán bộ, chiến sĩ; 4 máy bay trực thăng và nhiều tàu thuyền sẵn sàng ứng phó. 21 tỉnh, thành phố đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ...

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Dù cấp độ gió không quá lớn nhưng phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Đặc biệt, do thời gian bão đổ bộ trùng với đỉnh triều cường; hoàn lưu bão gây mưa trên diện rộng, tập trung tại các khu vực có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội rất lớn... Do đó, nếu chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, thiệt hại sẽ rất lớn.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các địa phương khẩn trương kêu gọi 1.642 tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời, chú ý khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hoạt động du lịch đảo, ven biển, các hồ thủy lợi, thủy điện...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh ven biển tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão; trong đó, tập trung hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát khỏi khu vực nguy hiểm; rà soát khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, bảo vệ các lồng bè và nhất là người lao động. "Các tỉnh ven biển tuyệt đối không để người lao động trên lồng bè khi bão đổ bộ; tùy theo diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão có thể ban hành quyết định cấm biển", Phó Thủ tướng nói.

Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực nhà ở không an toàn... để xây dựng và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân cư...

"Các tỉnh, thành phố tổ chức cảnh báo, canh gác, hướng dẫn người dân tham gia giao thông tại các khu vực ngầm tràn, ngập sâu, nước chảy siết...; kiểm tra các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, tuyệt đối không để xảy ra sự cố bất ngờ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/974509/khan-truong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao