Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu trẻ em, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

Tại phiên giải trình về 'Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức sáng nay, 22.2, các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên giải trình

Giảm số vụ nhưng tăng mức độ nghiêm trọng

Trình bày báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình xâm hại trẻ em mặc dù giảm 1,6% số vụ nhưng diễn biến lại phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác chỉ đạo về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương, trường học, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó là sự xuống cấp về đạo đức của một nhóm xã hội, xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân. Nhận thức của gia đình, cha, mẹ và một số cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là việc phát hiện nguy cơ, thông tin, thông báo, tố giác vẫn còn hạn chế. Năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em ở nhiều địa phương thiếu và yếu, nhất là cấp cơ sở chưa thực sự chủ động trong tham mưu, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hướng dẫn gia đình, cộng đồng các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Có nhiều bằng chứng cho thấy, đại dịch Covid-19 làm gia tăng mức độ rủi ro đối với trẻ em và nhóm gia đình dễ bị tổn thương, gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới phức tạp hơn đối với công tác bảo vệ trẻ em cũng như việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp giúp trẻ em bị xâm hại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số câu hỏi của ĐBQH về phòng, chống bạo lực trẻ em

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số câu hỏi của ĐBQH về phòng, chống bạo lực trẻ em

Về giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực trẻ em trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu ban hành chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, (trong đó có trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại. Xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với trẻ em như: chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá về dịch vụ công về bảo vệ trẻ em, chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Tại phiên giải trình, các đại biểu cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Luật Trẻ em và sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn; nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân được chú trọng, công tác tổ chức nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em được triển khai tốt hơn; nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng vừa trừng phạt thích đáng, vừa răn đe, phòng ngừa.

Tuy vậy, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực bạo lực trẻ em còn hạn chế, chưa bao quát hết các nội dung, đối tượng cần điều chỉnh trong lĩnh vực này; công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở chưa thường xuyên, nhiều trẻ em và các bậc cha mẹ chưa biết về các địa chỉ tiếp nhận thông tin trong trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống bạo lực trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và hiệu quả…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo thêm về một số vấn đề theo thẩm quyền và trách nhiệm của ngành giáo dục trong phòng, chống bạo lực trẻ em

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo thêm về một số vấn đề theo thẩm quyền và trách nhiệm của ngành giáo dục trong phòng, chống bạo lực trẻ em

Các đại biểu cũng tập trung yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan giải trình, làm rõ tính đầy đủ, toàn diện của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và lực lượng chức năng trong xử lý các vụ bạo lực trẻ em thời gian gần đây; hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em…

Đại diện lãnh đạo các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã giải trình, trao đổi, báo cáo, làm rõ thêm nhiều vấn đề theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao trong phòng, chống bạo lực trẻ em.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới", Luật Trẻ em 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên giải trình

Về hoàn thiện thể chế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, cần chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các quy định về bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con trong Luật Hôn nhân và gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về việc tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Về công tác triển khai thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho cán bộ làm công tác trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121 của Quốc hội, chú trọng việc nâng cao vai trò của Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên trong công tác này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý tin báo, tố giác về các trường hợp bị xâm hại, bạo lực hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Khẩn trương phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu trẻ em, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với từng đối tượng trẻ em, từng địa phương, vùng, miền. Tăng cường quản lý nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khan-truong-xay-dung-co-so-du-lieu-tre-em-hoan-thien-phap-luat-ve-phong-chong-bao-luc-tre-em-hubbzswuyq-80177