Khẩn trương xây dựng tiêu chí chợ
Nhận thức được nguy cơ gây mất vệ sinh, ATTP không chỉ xuất phát từ sản xuất, chế biến, mà còn tiềm ẩn ở khâu bảo quản, lưu thông, đặc biệt trong quá trình trao đổi, mua - bán hàng hóa diễn ra tại các chợ, ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh triển khai xây dựng chợ bảo đảm các điều kiện về ATTP.
Với 393 chợ có kinh doanh thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn, Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có số lượng chợ lớn nhất hiện nay trong cả nước. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu xây dựng chợ trên địa bàn đáp ứng các quy định về điều kiện ATTP là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP đến năm 2020.
Để đáp ứng được yêu cầu đối với việc xây dựng chợ bảo đảm các điều kiện về ATTP, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương xây dựng tiêu chí. Theo đó, xây dựng các chợ ATTP trên địa bàn triển khai áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017, với 19 tiêu chí được chia thành 3 nhóm cơ bản: Yêu cầu chung đối với cơ sở vật chất; cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ và với tổ chức quản lý chợ.
Ông Lữ Minh Thư - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết, để triển khai có hiệu quả TCVN 11856:2017, Sở Công Thương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các tiêu chí xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017; giao phòng chuyên môn thường xuyên làm việc trực tiếp tại các chợ, hướng dẫn đơn vị quản lý chợ thành lập và triển khai nhiệm vụ của Tổ giám sát ATTP tại chợ; đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm; thực hiện quy định đối với các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm và yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 16/8/2017, đặt mục tiêu năm 2018, tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng được 37 mô hình chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.
Cùng với quyết tâm của Sở Công Thương, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đến hết năm 2018, trên địa bàn đã có 35 chợ được đánh giá đạt các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017; hoàn thành công bố hợp chuẩn theo quy định với mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 11,5 tỷ đồng. Từ đó, Thanh Hóa trở thành tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước.
Ông Lữ Minh Thư cho biết thêm, với kết quả đạt được của năm 2018, ngay từ đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02/01/2019 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, năm 2019, tỉnh đặt ra mục tiêu phải xây dựng thành công 100 chợ kinh doanh thực phẩm.
6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 31 chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn kinh doanh thực phẩm theo quy định, nâng tổng số đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 trên địa bàn lên 66.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khan-truong-xay-dung-tieu-chi-cho-122921.html