Khẳng định vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri

PTĐT - Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, khóa XIV đã tăng cường các hoạt động theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH...

Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh khảo sát chính sách về công tác dạy nghề gắn với việc làm tại huyện Phù Ninh.

Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh khảo sát chính sách về công tác dạy nghề gắn với việc làm tại huyện Phù Ninh.

PTĐT - Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, khóa XIV đã tăng cường các hoạt động theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động. Kết quả hoạt động của Đoàn đã góp phần cho thành công của Quốc hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước cử tri.

Đóng góp vào nhiều quyết sách của Quốc hội

Xác định vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, phân tích, tổng hợp, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 19 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và tiếp xúc theo chuyên đề; tiếp nhận trên 750 ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp, phân loại, chuyển 325 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết, trả lời.
Tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu và tích cực tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ, góp ý đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kết hợp phản ánh những vấn đề bức xúc của cử tri để Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Qua 10 kỳ họp Quốc hội đã có 260 lượt ý kiến đại biểu trong Đoàn tham gia phát biểu, trong đó, 210 ý kiến tham gia phát biểu tại tổ, 50 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường. Nhiều ý kiến chất vấn của ĐBQH tỉnh được Quốc hội, Chính phủ, Ban soạn thảo, cơ quan chức năng có thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu trong các dự thảo Nghị quyết, dự thảo Luật để hoàn thiện dự thảo các văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua, góp phần hoàn thành tốt chương trình của kỳ họp Quốc hội. Đồng chí Cao Đình Thưởng- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Tại các kỳ họp của Quốc hội, nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh đều xuất phát từ những yêu cầu, bức xúc của nhân dân trong tỉnh. Cùng với thực hiện chất vấn các vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm, trong thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, ngay từ đầu các năm, Đoàn ĐBQH đã tổ chức họp Đoàn để thống nhất phân công các vị đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự án luật. Để nâng cao chất lượng các ý kiến tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, Đoàn có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, dân chủ, công khai, minh bạch trong việc xin ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp ở địa phương. Qua việc chất vấn và đề xuất kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, trả lời thỏa đáng ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong tỉnh.Tính chung trong nhiệm kỳ, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia phát biểu hơn 800 lượt ý kiến vào các nội dung quan trọng của các dự án luật, luật và Nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp. Các ý kiến của Đoàn đã đóng góp thiết thực vào các luật có liên quan đến những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước cũng như hoàn thiện các dự thảo luật, Nghị quyết trước khi thông qua. Những ý kiến tham gia đều được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đúng thời gian quy định, trong đó nhiều ý kiến của Đoàn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh dự án Luật. Đặc biệt, trong Kỳ họp thứ Mười, các ĐBQH tỉnh đã cùng 302 ĐBQH không nhất trí tách Luật Trật tự an toàn giao thông ra khỏi Luật Giao thông đường bộ và chuyển Luật trên sang xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hạ Hòa.

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hạ Hòa.

Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri

Trên cơ sở Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, kế hoạch, chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát của từng năm. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện 12 cuộc giám sát, 6 cuộc khảo sát với nhiều đổi mới. Trước giám sát, khảo sát, Đoàn tổ chức hoạt động lấy ý kiến người dân hoặc các cuộc tham vấn cộng đồng về nhiều vấn đề thuộc nội dung giám sát; yêu cầu các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị đầy đủ các nội dung báo cáo theo đề cương, gửi trước các đại biểu, thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian làm việc tại thực địa, tăng thời gian trao đổi, thảo luận, lắng nghe ý kiến, phản ánh của cử tri. Đặc biệt tìm hiểu nội dung, vấn đề giám sát từ nhiều phía để có những nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước khách quan, chính xác, đảm bảo tính sát thực của các nhận định, đánh giá, kiến nghị sau giám sát…
Kết thúc các đợt giám sát, khảo sát, Đoàn có thông báo kết quả giám sát và chuyển những kiến nghị liên quan đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, trả lời; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời. Thông qua các cuộc giám sát, khảo sát đã có 151 kiến nghị được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời; trong đó, 95 kiến nghị gửi đến các cơ quan chịu sự giám sát; 56 kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các cơ quan, đơn vị ở Trung ương. Các kiến nghị của Đoàn giám sát được các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành tiếp thu, giải quyết hoặc trả lời, đặc biệt UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện cụ thể từng kiến nghị giám sát của Đoàn. Thông qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; phát hiện những bất cập về chính sách, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp và bổ sung quy định mới nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, của cử tri. Để giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc trong nhân dân, hoạt động tiếp công dân chung giữa Đoàn ĐBQH với HĐND, UBND tỉnh thường xuyên được duy trì theo đúng kế hoạch. Tính đến nay, tại các kỳ tiếp công dân đã tiếp 339 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh; qua phân loại, đã có 162 đơn được chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tạo lòng tin trong nhân dân. Với những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202012/khang-dinh-vai-tro-dai-dien-cho-y-chi-nguyen-vong-cua-cu-tri-174340