Khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ai-len, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/9 - 07/10/2024. Trong đó, Mông Cổ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm và công tác lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh duyệt Đội Danh dự. Ảnh: ST

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh duyệt Đội Danh dự. Ảnh: ST

Việt Nam - Mông Cổ viết tiếp truyền thống hữu nghị

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan và Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene; dự Khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam năm 2024 tại Mông Cổ; thăm Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tại các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ tăng cường mở rộng mạnh mẽ trong suốt 70 năm qua; trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng phát triển quan hệ song phương thời gian tới và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương hai nước.

Trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh khẳng định, đây là chuyến thăm lịch sử góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ. Mông Cổ coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực; mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách "láng giềng thứ ba" và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của Nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác toàn diện" và tiếp tục thúc đẩy tăng cường mở rộng hợp tác: Chính trị; quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật; kinh tế-thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác thực chất về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

Tại cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegve Amarbayasgalan, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường vai trò cơ quan lập pháp hai nước trong việc phối hợp hỗ trợ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện; tích cực thúc đẩy tổ chức và vận động các doanh nghiệp hai nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước; mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, qua đó sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới.

Hội kiến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với nhiều hình thức linh hoạt; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi, qua đó tạo bước chuyển biến về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; phát huy hơn nữa vai trò cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả lĩnh vực kinh tế hai nước; tích cực tổ chức và vận động các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước, qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại tăng trưởng ổn định.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dấu mốc lớn trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm mang tính lịch sử, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, góp phần quan trọng định hướng và mở ra triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước, tạo động lực mới cho quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi ký sổ "Khách Danh dự" tại Cung Nhà nước Mông Cổ với nội dung ghi lưu bút khẳng định: "Việt Nam và Mông Cổ đã đi qua chặng đường tròn 70 năm với những thành tựu hợp tác phát triển quan trọng. Hôm nay, Tổng thống Mông Cổ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cùng tuyên bố nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, điều này sẽ mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả, toàn diện và lâu dài hơn vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của Nhân dân hai nước...".

Đưa quan hệ giữa Việt Nam - Ai-len, Việt Nam - Pháp bước sang trang mới

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tại Mông Cổ, chiều tối 01/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Ulan Bator đi thăm cấp Nhà nước tới Ai-len từ ngày 01-03/10, theo lời mời của Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ai-len của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1996), qua đó góp phần nâng cao tin cậy chính trị và củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ai-len.

Gần 30 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Ai-len đã gặt hái những thành tựu rất đáng ghi nhận. Hai bên thường xuyên trao đổi một số đoàn cấp cao và phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế. Các chương trình hợp tác giữa hai nước ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, phù hợp với lợi ích chung của Chính phủ và Nhân dân hai nước.

Trong thời gian thăm cấp Nhà nước Ai-len, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ký Sổ lưu niệm, dự lễ đón cấp Nhà nước, gặp riêng và hội đàm Tổng thống Michael D. Higgins; thăm, phát biểu chính sách tại Trường đại học Trinity College Dublin; dự và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Ai-len; Hội kiến Thủ tướng Ai-len Simon Harris; Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Jerry Buttimer; chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác; và một số hoạt động khác.

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Pháp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên sau 22 năm chúng ta lại có một chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Pháp. Chuyến thăm là sự truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, coi trọng củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước lớn, các nước đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, trong đó có Pháp và khu vực châu Âu, Liên minh châu Âu; khẳng định sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Đồng thời, thể hiện sự coi trọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với Pháp, một trong những nước có vị thế, vai trò quan trọng hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới, cũng như đối với sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Đối với Cộng đồng Pháp ngữ, đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) vào năm 1979, Lãnh đạo cấp cao nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của Việt Nam tham dự một Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Việt Nam trong hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như việc Việt Nam luôn cam kết ở cấp cao là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của Cộng đồng, cũng như các công việc chung của quốc tế.

Việc tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Cộng hòa Pháp cũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hình ảnh và sự hiện diện ở cấp cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ với khu vực, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia của Việt Nam, cũng như vị thế của Cộng đồng trên trường quốc tế. Sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo đà đưa quan hệ Việt Nam - Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn cao hơn nữa./.

LÊ HÒA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khang-dinh-vai-tro-vi-the-va-uy-tin-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te-35151.html